Lệnh 248, 249: Cơ hội để doanh nghiệp, người nông dân sản xuất một cách bài bản, tiêu chuẩn hơn

15:01 29/11/2022

Tất cả sản phẩm khi được tiêu dùng tại Trung Quốc đều phải tuân theo một tiêu chuẩn nhất định. Lệnh 248, 249 là cơ hội để doanh nghiệp, người nông dân sản xuất một cách bài bản, tiêu chuẩn hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc (doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệm làm ăn tại thị trường Trung Quốc), Công ty Việt Phúc đã chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan tới Lệnh 248, 249 và tìm cách thích ứng.

"Thị trường Trung Quốc rất khổng lồ, hấp dẫn và là thị trường thèm muốn của tất cả các quốc gia không riêng gì Việt Nam. Với riêng Việt Nam, tôi cho rằng các doanh nghiệp của chúng ta sẽ có lợi thế cạnh tranh tại đây, đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản", bà Hương nói.

Ảnh minh họa
Lệnh 248, 249 là cơ hội để doanh nghiệp, người nông dân sản xuất một cách bài bản, tiêu chuẩn hơn. 

Bà Hương cho rằng, Việt Nam có những thuận lợi như nông sản mang tính nhiệt đới, được người Trung Quốc ưa chuộng. Ngoài ra, vị trí địa lý của nước ta, với đường biên giới kéo dài, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí vận chuyển cũng như công nghệ chế biến và bảo quản.

Từ đầu năm 2022, Trung Quốc bắt đầu áp dụng các quy định trong Lệnh 248 249, với mục tiêu công khai, minh bạch hóa thông tin và nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời yêu cầu vai trò nhiều hơn từ các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam.

Công ty Việt Phúc thường xuyên cập nhật thông tin từ phía các đối tác Trung Quốc. Ngay từ năm 2018, khi tham gia cùng một đoàn công tác ở Thượng Hải, Công ty Việt Phúc đã nắm được chủ trương đẩy mạnh công tác kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng như quản lý doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu vào Trung Quốc.

Tất cả sản phẩm khi được tiêu dùng tại Trung Quốc đều phải tuân theo một tiêu chuẩn nhất định. Đây là quy định chung, không phải yêu cầu khắt khe cho một đối tượng cụ thể nào. Trong khi nông sản nhiệt đới của Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh tại Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất & Xuất nhập khẩu Việt Phúc. 

Qua các buổi hướng dẫn, đào tạo, tập huấn từ phía như Văn phòng SPS Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng với sự chủ động từ phía công ty, Công ty Việt Phúc nhận thức rõ, Trung Quốc giờ quy định rất cụ thể, chi tiết về sản phẩm xuất khẩu, từ quy cách đóng gói, in nhãn mác, cho đến số lô hàng xuất khẩu và mã cơ sở, mã vùng trồng. Có thể lúc đầu, doanh nghiệp sẽ cảm thấy khớp, nhưng khi làm quen và có quy trình chuẩn, tôi tin chúng ta sẽ cải thiện được các khâu quản lý và kiểm soát chất lượng.

“Coi Lệnh 248, 249 là "một cơ hội" để doanh nghiệp, người nông dân sản xuất một cách bài bản hơn, tiêu chuẩn hơn, chúng tôi vui mừng vì toàn ngành nông nghiệp đã có những chuyển biến về tư duy trong một năm qua, theo hướng xây dựng lộ trình dài hạn để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách bền vững”, bà Hương chia sẻ.

Để thực hiện tốt được những điều trên, bà Hương kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các đơn vị trực thuộc phải quyết liệt hơn nữa trong khâu giám sát chất lượng. Bất cứ ai tham gia vào quá trình sản xuất, canh tác nông nghiệp đều phải thực hiện theo tiêu chuẩn, đồng thời cách làm này phải được mở biên cho cả sản phẩm tiêu thụ trong nước thay vì chỉ tập trung cho xuất khẩu. Không thể có chuyện hàng xuất đi thì sản xuất theo tiêu chuẩn, còn hàng bán trong nước lại không chuẩn. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ, cần từ bỏ dần cách sản xuất theo quán tính.

Tin tưởng người tiêu dùng trong nước sẽ hưởng lợi khi nông sản, thực phẩm được “chuẩn hóa” theo quốc tế, Chủ tịch Công ty Việt Phúc đề xuất một số biện pháp đẩy nhanh quá trình này như: Bộ, ban, ngành phối hợp địa phương, doanh nghiệp để đào tạo, tập huấn cho người nông dân, giúp họ thay đổi nhận thức và canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt một cách "không điều kiện". 

Tận dụng một loạt nghị định thư vừa ký giữa Việt Nam và Trung Quốc về chanh leo, sầu riêng, chuối, tổ yến... ngành nông nghiệp tăng cường truyền thông để những thông tin thị trường thực sự "thấm vào đầu" mọi chủ thể trong chuỗi cung ứng, sản xuất. 

"Cần có những cam kết mạnh mẽ với khách hàng về việc tuyệt đối tuân thủ những quy định mang tính chất quốc tế. Cùng với đó, chúng ta phải kiểm tra, giám sát liên tục và đề ra những chế tài cụ thể, bắt buộc để phục vụ mục đích chung", bà Hương kết luận.

Hoài Anh