Ngày 19/7, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp góp ý dự thảo sửa đổi bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Tại hội thảo, bà Bùi Thúy Hằng, Vụ phó Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, mục tiêu sửa đổi Thông tư 39 xuất phát từ việc nhiều nội dung của thông tư đang đi sau những thực tiễn của thị trường, đặc biệt là thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử mà thời gian vừa qua nhiều tổ chức tín dụng đã và đang triển khai.
“Với việc sửa Thông tư 39, chúng tôi mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các tổ chức tín dụng có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này. Dưới góc độ là cơ quan tham mưu, chúng tôi đề ra thời hạn sửa đổi Thông tư 39 là chỉ trong năm 2022," bà Bùi Thúy Hằng nói.
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình hoạt động.
Các quy định tại dự thảo Thông tư 39 sửa đổi đã cụ thể hóa được nhiều nội dung quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, lúng túng của các tổ chức tín dụng trong thực tiễn triển khai thời gian qua như sửa đổi, bổ sung quy định về việc vay vốn phục vụ nhu cầu đời sống; bổ sung quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn cho phù hợp quy định.
Thông tư cũng cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay; bổ sung quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử để tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của tổ chức tín dụng đối với khách hàng trong thời gian tới.
Bên cạnh đưa ra được các điều khoản quy định đối với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy cần khắc phục một số điểm trong thực tiễn thời gian qua khi triển khai thực hiện Thông tư 39 như vấn đề về chủ thể vay vốn với những đối tượng không phải là cá nhân cũng không phải là pháp nhân mà hiện nay đã được quy định trong một số nghị định về cho vay nông nghiệp, nông thôn, chúng tôi cũng đã cố gắng khắc phục để đưa vào trong Thông tư 39 nhằm có được khuôn khổ pháp lý đầy đủ.
PV