Mặc dù còn cách Tết Nguyên Đán khoảng một tháng, nhưng những ngày này, những vườn đào Vân Sơn đã dập dìu thương lái tứ xứ đến xem, đặt mua đào để bán tết. Đến Vân Sơn vào một chiều mưa phùn, trời lạnh, tôi cùng cô cán bộ địa chính xã dạo bước ghé thăm các vườn đào thuộc thôn 1. Vào thời điểm này, những cây đào vừa được tuốt lá ít lâu, chưa đến thời điểm bung hoa khoe sắc, đang vươn những cành khẳng khiu, gầy guộc lên đón nắng chiều, lác đác có vài bông hoa nở sớmnổi bật sắc hồng giữa màu xanh của lá, gợi cho khách phương xa cảm nhận mùa xuân đang đến rất gần.
Đang tất bật bên những gốc đào, thấy khách đến, ông chủ vườn trẻ tuổi nhanh nhẩu dừng tay, pha trà tiếp đón. Qua câu chuyện, được biết anh là Lê Đức Toàn, chủ vườn đào rộng 0,9 ha, một trong những người tiên phong của xã Vân Sơn đưa cây đào về vùng đất này. Theo lời kể của anh Sơn, gia đình anh trước kia chủ yếu trồng lúa, màu, thu nhập chỉ tạm đủ ăn. Năm 2005, thấy bên xã bạn Xuân Du của huyện Như Thanh, người dân trồng đào có thu nhập cao, anh đã mầy mò bắt tay vào trồng thử. Do chịu khó học hỏi, sau thất bại ban đầu, anh đã vượt qua khó khăn, có thu nhập khá từ loại cây trồng mới này và từng bước mở rộng vườn đào của mình.
Sau Rằm tháng chạp, vùng đào Vân Sơn lại tấp nập khách đến chọn mua đào về chưng tết. |
Năm 2019, được sự chấp thuận của UBND xã, anh nhận thầu lại đất ruộng của một số hộ, mở rộng vườn đào lên 0,9 ha để tiến hành làm ăn lớn. Để biến ruộng thành vườn, vợ chồng anh đã phải trải qua vài tháng trời lao động cật lực, đào ao trữ nước, đào mương dẫn nước và lấy đất tôn cao mặt ruộng, tạo thành từng luống, khoảnh riêng biệt phù hợp với các loại đào. Tiếp đó là hành trình đi tìm mua những gốc đào rừng cổ thụ từ Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quan Sơn (Thanh Hóa) về ươm, sau đó ghép với đào bích đào Nhật Tân hoặc đào phai Xuân Du, tạo ra những sản phẩm mới cung cấp cho thị trường.
Anh Lê Đức Toàn bên gốc đào ghép đã có khách đặt mua . |
Do được đầu tư bài bản, chăm sóc đúng kỹ thuật, từ vài trăm gốc ban đầu khi mở rộng sản xuất. Đến nay, anh Toàn đã có trên 1.000 gốc đào trong vườn, trừ 150 gốc đang thời kỳ ghép cành, còn lại khoảng 900 gốc sẽ được bán trong dịp tết Ất Tỵ này. Về thị trường, anh Toàn phấn khởi khoe, năm nay các vùng đào phía bắc mất mùa do mưa nhiều, nên đến thời điểm này, vườn đào nhà anh đã được thương lái đặt tiền mua gần hết, chỉ còn một phần nhỏ để dành bán lẻ cho khách quen. Về giá cả thì năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 20%. Với giá bán bình quân tại vườn khoảng trên dưới 1 triệu đồng/cây, vườn đào nhà anh sẽ cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng, trừ chi phí (kể cả công lao động) còn lãi 400 triệu. Nhân nói về thu nhập, anh Toàn khẳng định và dẫn chứng, riêng với nhà anh, trồng đào cho lãi gấp 40 lần so với trồng lúa. Cây đào, nếu chăm bón tốt, đúng kỹ thuật sẽ cho thu nhập từ 40 triệu đến 50 triệu đồng/sào (đã trừ tiền đầu tư), còn cây lúa, cao nhất chỉ được nhích 1 triệu/sào mỗi năm. Nhờ thu nhập từ cây đào, năm 2024 này, gia đình anh đã xây dựng được nhà mới to đẹp, trị giá 2,2 tỷ đồng và sắm sửa đầy đủ các dồ dùng, tiện nghi đắt tiền.
Tạm biệt ông chủ vườn mến khách, chúng tôi ghé vào vườn đào của anh Lê Văn Thức. Theo anh Thức cho biết, gia đình anh mới chỉ trồng đào được 4 năm nay, với diện tích 620m2, Tết này vườn đào của anh có khoảng 60 gốc đào đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường, gồm hai loại bích đào (ghép gốc đào rừng với bích đào) và đào phai bản địa. Năm nay đào được giá nên chắc chắn sẽ cho thu nhập cao hơn năm ngoái, dự kiến thu lãi khoảng 35 triệu. So sánh về thu nhập giữa cây đào và cây lúa, anh Thức cho rằng, đối với những hộ có diện tích vườn đào lớn, có khả năng tài chính, đầu tư bài bản như hộ anh Toàn thì cây đào cho thu nhập rất cao, còn những gia đình trồng đào nhỏ lẻ như nhà anh, không có khả năng mua những gốc đào rừng cổ thụ, chủ yếu trồng đào phai bản địa, giá bán chỉ tầm 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/cây, tiền lãi thu được sẽ thấp hơn, nhưng dù thấp cũng cao gấp 4 đến 5 lần so với trồng lúa.
Rời những vườn đào thôn 1, tôi được cán bộ địa chính đưa đến khu trồng đào tập trung của xã. Nơi đây bạt ngàn những vườn đào đủ loại, nhiều kích cỡ trên những thửa đất khác nhau. Có những vườn đào phai bản địa cao đến đầu người, cành phủ đầy những lá non mơn mởn đang xanh trở lại sau kỳ tuốt lá, điểm xuyết những bông hoa nở sớm mầu phớt hồng. Cùng với đó là những gốc đào rừng cổ thụ xù xì, được ghép những cành bích đào, sau 2 hoặc 3 năm chăm sóc, lá cành lá xanh mơn mởn, lấm chấm những chấm xanh nhỏ nép dưới cành. Những chấm xanh đang được cây mẹ nuôi dưỡng, đợi xuân sang để nở bung những bông hoa rực rỡ sắc hồng, đem Tết cổ truyền về với mọi nhà. Ghé thăm hỏi chuyện một số người đang chăm sóc vườn đào, ai nấy đều nở nụ cười rạng rỡ khi nói về cuộc sống đủ đầy, sung túc nhờ cây đào và khoe về việc đào năm nay được mùa, được giá.
Một chủ vườn đào đang vun gốc cho những gốc đào cổ thụ |
Trao đổi với báo chí, chủ tịch UBND xã Vân Sơn Lê Bá Thành cho biết, toàn xã hiện có khoảng 300 hộ trồng đào với diện tích khoảng 70 ha, ước tính quân bình mỗi năm cho thu nhập khoảng trên 80 tỷ đồng, cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Nhờ cây đào, nhiều gia đình trong xã đã trở nên khá giả, xây được nhà khang trang, bề thế, mua sắm ô tô, tiện nghi đắt tiền. Cũng nhờ thu nhập từ cây đào, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã trở nên thuận lợi, về đích trước kế hoạch vì sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân trong việc góp công, góp của đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng đường giao thông, trong đó có đường đến các khu vực chuyên canh cây đào.
Rời Vân Sơn khi hoàng hôn vừa tắt, xe tôi chạy băng băng trên con đường liên xã trải bê tông rộng rãi, chan hòa ánh điện. Chỉ ít ngày nữa thôi, con đường này sẽ tấp nập người, xe của thương lái, của khách mua đào đổ về vùng đào Vân Sơn, Xuân Du. Từ đây, những cây đào Vân Sơn sẽ theo xe khách, lên tầu hỏa và cả máy bay, đưa mùa xuân quê hương đến khắp mọi miền của đất nước, kể cả những người con xa xứ, đón xuân nơi đất khách quê người.