Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững đất nước, hàng loạt chiến lược, chính sách trên các ngành, lĩnh vực đã được cập nhật, sửa đổi và ban hành trong thời gian gần đây. Trong đó việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược TTX quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào tháng 10 năm 2021, ngay trước thềm Hội nghị COP 26 và sau đó, ngày 22/7/2022 vừa qua, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX) giai đoạn 2021-2030 là những điểm nhấn hết sức quan trọng.
Kế hoạch hành động quốc gia về TTX có 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể hướng tới 04 mục tiêu quan trọng của Chiến lược: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; (2) Xanh hóa các ngành kinh tế; (3) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững (4) Xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Đối với việc chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, bền vững, Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh định hướng: “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng trong hoạt động sản xuất, vận tải, thương mại và công nghiệp; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia”.
“Có thể nói đây là định hướng toàn diện, tổng thể đối với việc chuyển đổi ngành năng lượng để góp phần vào mục tiêu giảm phát thải của quốc gia”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An - đồng chủ trì Hội thảo chia sẻ, Việt Nam là quốc gia luôn chủ động và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề toàn cầu. Điều này đã được khẳng định qua sự tham gia, cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26 vừa qua diễn ra tại Vương quốc Anh. Cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng An, thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển ngành năng lượng phù hợp với xu thế chung của toàn cầu và cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Một trong những văn bản hết sức quan trọng là dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII). Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng nhiều kịch bản, phương án để điều chỉnh, cập nhật Dự thảo Quy hoạch điện VIII theo hướng giảm dần phụ thuộc nhiệt điện than và dành sự ưu tiên cao cho phát triển năng lượng tái tạo với cơ cấu và sự phân bố hợp lý. Hiện nay, dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong thời gian tới. Theo đó, quá trình chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh và quyết tâm thực hiện theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Những cơ chế hợp tác đa phương và song phương là rất có ý nghĩa đối với sự phát triển ngành năng lượng và nền kinh tế quốc gia của Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết, để đảm bảo mục tiêu phát triển theo hướng tăng, ngành năng lượng phải đáp ứng các yêu cầu sau: (i) Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn để đáp ứng các mục tiêu phát triển; (ii) Xác định được cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững của đất nước; (iii) Thu hút mạnh mẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng; (iv) Tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, xanh hơn và các nguồn năng lượng tái tạo (v) Nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ sử dụng năng lượng và sử dụng điện của nền kinh tế. Song song với đó, cần tạo điều kiện để các đối tượng trong xã hội, mọi tầng lớp nhân dân đều được tiếp cận và thụ hưởng lợi ích từ các chính sách phát triển năng lượng bền vững với chi phí hợp lý, đặc biệt cần quan tâm thích đáng đến nhóm đối tượng xã hội dễ bị tổn thương, đến người thu nhập thấp và các đối tượng chính sách.
Ông Rahul Kitchlu chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, cùng với các quốc gia khác, những cam kết của Việt Nam tại COP 26 đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu về năng lượng tái tạo với hơn 20 GW năng lượng tái tạo và huy động 17 tỷ USD đầu tư tư nhân 2 năm qua. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng ông Rahul Kitchlu cho rằng, Việt Nam có lợi thế trong chuyển dịch tăng trưởng xanh và cộng đồng quốc tế cũng như WB sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng. Sự hỗ trợ bao gồm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cũng như hỗ trợ huy động nguồn vốn chi phí thấp dành cho biến đổi khí hậu, nhằm giúp Việt Nam chuyển dịch năng lượng xanh hiệu quả và bền vững.
Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh 4 vấn đề:
Một là chuyển đổi năng lượng là một xu thế tất yếu và là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững về kinh tế XH và môi trường. Việt Nam là đất nước đang phát triển, nguồn lực còn hạn chế nhưng đã có những bước đi thực sự trong việc chuyển đổi năng lượng để đạt được mục tiêu phát thải ròng = 0 vào năm 2020. Đây là hướng đi đúng đắn, khả thi, tối ưu trong dài hạn. Tuy nhiên rất thách thức yêu cầu phải có sự chuyển đổi tương xứng về mọi mặt, về thể chế, về nguồn lực (tài chính, nhân lực), nhận thức để có thể biến định hướng này thành hiện thực.
Hai là việc chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là quan trọng, nhưng vấn đề sử dụng NL hiệu quả cũng đóng vai trò cực kì quan trọng. Theo đó, như bài trình bày của các đại biểu, VN cần phải xây dựng cơ cấu các nguồn NL cũng như các lộ trình điều chỉnh cơ cấu các nguồn NL này trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương; đồng thời phải làm rõ các điều kiện để qúa trình chuyển đổi cơ cấu NL này đem lại hiệu quả cao nhất.
Ba là quá trình chuyển đổi NL này VN cần sự đồng hành, hỗ trợ đắc lực từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các DN và tập đoàn nếu không rất khó có thể thành 0. Đốii với những hỗ trợ này VN sẽ cố gắng phát huy tối đa các sự hỗ trợ và biến nó thành động lực phát triển có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Bốn là hội nghị ngày hôm nay đã đặt ra các vấn đề về nguồn lực công tư, cachs thức ra quyết định đầu tư, tỉ lệ chiết khấu kinh tế xã hội ở mức nào, một sân chơi mới, cuộc chơi mới để tiến đến Net Zezo. Cũng như đại biểu đã nói: giá cả, chi phí, bất định về công nghệ, sản xuất năng lượng sạch, công nghệ lưu trữ hấp thụ các bon, công nghệ lưu trữ điện năng,…. Sẽ đặt ra vai trò trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đặc biệt là cộng đồng DN cũng như XH. Đó là việc triển khai tổ chức thực thi một cách có hiệu quả kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Và đối với các đối tác phát triển, các ngân hàng TM, công ty môi giới NL cũng có vai trò đặc biệt quan trọng để các nước đang phát triển như VN có nhiều tiềm năng giảm phát thải, có tiếp cận được với công nghệ cũng như nguồn lực thực hiện.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc chuyển đổi NL này muốn thành công phải có quyết tâm chính trị lớn và sự phối hợp đồng bộ của tất cả các bên có liên quan.
Thảo Anh