Làm thế nào để khai thác thị trường du lịch tiềm năng 100 triệu dân trong nước?

09:42 16/04/2021

Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm.

Với sự tham dự của gần 600 đại biểu là các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong ngành du lịch như lữ hành, nhà hàng-khách sạn, ẩm thực, hiệp hội golf, trên toàn quốc, diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề "Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới" diễn ra trong hai phiên thảo luận theo các nội dung chính:

Thứ nhất, vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa.

Thứ hai, các giải pháp về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch. 

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, bởi vậy, duy trì và khôi phục các hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành du lịch mà còn của cả nền kinh tế.

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, ở Việt Nam, Du lịch và Hàng không là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch, một ngành đang tăng trưởng liên tục bốn năm ở mức hai con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, lại bị suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.

Trong bối cảnh bình thường mới, vừa phòng chống dịch vừa khôi phục hoạt động, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt nam thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. “Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt,...đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa”, ông Bình cho hay.

Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, một thời gian dài du lịch Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường khách quốc tế mà chưa quan tâm đến du lịch nội địa. “Đây là thời điểm toàn ngành cần nhìn lại, tìm cách tiếp cận mới, thay đổi phương pháp cũng như tư duy làm du lịch để tự cứu mình và làm sống lại thị trường du lịch, bù đắp sự thiếu hụt trong vấn đề doanh thu. Du lịch Việt Nam cần phải chú trọng đến thị trường tiềm năng là 100 triệu dân trong nước đang rất mong muốn đi du lịch khi dịch được kiểm soát”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể khai thác được thị trường du lịch tiềm năng 100 triệu dân trong nước; làm thế nào để có thể tiếp cận được dòng khách vốn bị “lãng quên” để đem lại doanh thu bù đắp lại lượng khách du lịch quốc tế bị thiếu hụt; làm thế nào để du lịch nội địa thực sự là cứu cánh của du lịch, tạo động lực cho du lịch phục hồi và phát triển… phụ thuộc vào chính sự thay đổi, cách làm việc nhạy bén, linh hoạt của các doanh nghiệp, các địa phương quản lý điểm đến. 
Về phía doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, công ty đã triển khai nhiều giải pháp hướng tới lợi ích của du khách. Song song với việc phát triển sản phẩm mới, hợp tác liên kết với các địa phương, đơn vị cung ứng để đưa ra chính sách ưu đãi về giá, xây dựng kênh bán hàng phù hợp tâm lý người Việt, công ty cũng tập trung đầu tư các giải pháp hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Đây cũng là một trong số ít các đơn vị lữ hành thiết lập được cơ chế nội bộ về ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu.
Với tầm nhìn dài hạn, bà Nguyễn Lê Hương, đại diện Công ty Vietravel, cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của du lịch. “Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trở lại cần ban hành nhanh, kịp thời và thực chất để triển khai ngay trong thực tế mới phát huy được hiệu quả”, bà Hương đề xuất. 
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh đề xuất nhiều giải pháp về cơ chế chính sách riêng biệt, cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa cũng đồng thời đề xuất xây dựng chính sách thị thực rõ ràng đối với việc cho phép khách du lịch nhập cảnh trong bối cảnh bình thường mới, cụ thể là việc áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo phân luồng hợp lý để tránh tình trạng quá tải vào mùa cao điểm tại những khu du lịch trọng điểm.
Để khắc phục khó khăn, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp phát triển kinh doanh du lịch nội địa có hiệu quả hơn, đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch inbound và outbound, diễn đàn lần này là sự khẳng định quyết tâm cao của ngành du lịch trong khôi phục du lịch, trước mắt là du lịch nội địa.
An Nguyên