Thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều doanh nghiệp không tuân thủ đúng giấy phép, cố ý khai thác khoáng sản vượt công suất, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng còn phát hiện hàng loạt doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép. Tình trạng này diễn ra trên diện rộng tại nhiều địa phương trong địa bàn tỉnh.
Hồi đầu tháng 8/2021, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Sở TN&MT cung cấp danh sách các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân khai thác khoáng sản không có Giấy phép; khai thác vượt công suất cấp phép; không lắp đặt camera giám sát, trạm cân, kê khai loại sản phẩm tài nguyên khai thác không đúng theo giấy phép được cấp; không đúng loại sản phẩm xác định trong dự án đầu tư, theo thiết kế mỏ, báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo thông tin Cục Thuế cung cấp, có thể thấy vi phạm về khai thác khoáng sản vẫn còn phức tạp, chưa được xử lý dứt điểm. Chỉ trong năm 2020 đã có 10 doanh nghiệp bị Cục Thuế “chỉ mặt đặt tên” đang có vi phạm khai thác khoáng sản không phép gồm: Công ty TNHH Duy Minh, Công ty TNHH MTV Lê Tám (Di Linh); Doanh nghiệp Phong Bích (Lạc Dương); Công ty TNHH nhà máy gạch ngói Lâm Viên, Công ty TNHH Đức Lâm, Công ty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng (huyện Đức Trọng); Công ty TNHH MTV Hưng Thắng, Công ty TNHH Chí Thành Thịnh (Lâm Hà); Công ty TNHH Thuận Đức (Đơn Dương); Công ty TNHH Tâm Hiệp Tâm (Đạ Huoai).
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh cũng cung cấp danh sách các doanh nghiệp khai thác vượt công suất năm 2020 và 7 tháng năm 2021 gồm 14 đơn vị. Trong đó TP. Đà Lạt và huyện Đức Trọng mỗi địa phương có 4 doanh nghiệp.
Đáng nói là còn có hơn 50 doanh nghiệp khác không thực hiện lắp đặt camera giám sát, trạm cân, không lập sổ sách, chứng từ trong hoạt động khai thác khoáng sản.
Những năm qua, vi phạm khai thác khoáng sản là vấn đề nhức nhối tại Lâm Đồng. Thực trạng đáng lo ngại này không chỉ ở các huyện vùng sâu vùng xa mà ngay tại TP. Đà Lạt cũng xảy ra vi phạm dạng này.
Tháng 7 vừa qua, UBND TP. Đà Lạt đã lập hồ sơ vi phạm và tạm giữ toàn bộ phương tiện trong vụ san ủi, khai thác khoáng sản trái phép tại xã Tà Nung để điều tra, xử lý.
Hay ngày 10/8, UBND tỉnh cũng đã xử phạt một cá nhân 125 triệu đồng về hành vi khai thác cát trái phép tại lưu vực sông Đồng Nai.
Nhằm nỗ lực giải quyết tính trạng này, mới đây, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng vừa đề nghị các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và Đạ Huoai thực hiện kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép.
Sở TN&MT yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác vận chuyên, tiêu thụ khoáng sản trái phép trên địa bàn; kiểm tra các đơn vị chế biến sản xuât vật liệu xây dựng trên địa bàn về nguồn nguyên liệu (nguồn gốc khoáng sản), đặc biệt là các đơn vị sản xuất gạch, ngói, đá ốp lát, cao lanh,…; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nguyên liệu không có nguồn gốc hợp pháp theo quy định và một số nhiệm vu khác theo Chỉ thị số 09/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Theo hướng dẫn của Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng, ngoài xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không phép theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP; trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, cần nghiên cứu Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý cho phù hợp.
Được biết, tại Chỉ thị số 09, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trong quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Trong đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, sở, ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trong những lĩnh vực được giao quản lý.
Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lập bến bãi tập kết khoáng sản trái phép diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.
Các địa phương, đơn vị phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như không lắp camera giám sát trạm cân, khai báo gian lận sản lượng khai thác, khai thác gây ô nhiễm môi trường, kinh doanh vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng công trình quản lý chặt chẽ việc nghiệm thu, thanh quyết toán công trình.
Trong đó, xem xét nguồn gốc hợp pháp của vật liệu xử dụng, kiên quyết không nghiệm thu công trình sử dụng vật liệu không có nguồn gốc hợp pháp, nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông dòng chảy, san gạt cải tạo mặt bằng, cải tạo đất, đào ao, hồ để khai thác khoáng sản trái phép, khai thác gây ô nhiễm môi trường, sạt lở bờ sông…
Các cơ quan, đơn vị như các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công thương, Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cục Thuế, Công an tỉnh… cùng 10 huyện và 2 thành phố của tỉnh Lâm Đồng được giao nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể trước mỗi lĩnh vực được giao phụ trách.
Người đứng đầu các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố để xảy ra các vi phạm trên phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Lâm Đồng.
Hà An