![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu ý kiến đề xuất quản lý chặt vốn điều lệ để chặn doanh nghiệp ma |
Ngày 9/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Dự thảo lần này tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn “hậu kiểm” sau khi doanh nghiệp đã được thành lập.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự thảo là các quy định bổ sung nhằm xử lý tình trạng doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ theo cam kết, kê khai khống vốn, hoặc sử dụng vốn ảo để thực hiện các hành vi gian lận. Những hiện tượng này đã và đang tạo ra lỗ hổng lớn trong công tác quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nền kinh tế, cũng như làm xói mòn niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch.
Theo cơ quan soạn thảo, thời gian qua đã xuất hiện nhiều trường hợp thành lập doanh nghiệp ma, sử dụng “vỏ bọc” doanh nghiệp để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, vay vốn ngân hàng trái phép, hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ không đúng quy định. Những hoạt động này không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lành mạnh và ổn định của thị trường tài chính, tín dụng và đầu tư.
Để khắc phục, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 215, quy định rõ trách nhiệm và phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ chịu trách nhiệm trong việc tổ chức đăng ký kinh doanh, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp sau đăng ký thành lập. Đồng thời, địa phương có thẩm quyền ban hành quy trình kiểm tra, giám sát và xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường hiệu quả giám sát và ngăn ngừa gian lận.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc bổ sung các quy định này là cần thiết và cấp bách để bảo đảm tính minh bạch, nghiêm túc trong hoạt động đăng ký và góp vốn thành lập doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hạn chế tối đa tình trạng "vốn ảo", "doanh nghiệp ma".
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo, một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể hơn về thủ tục đăng ký vốn điều lệ ngay từ bước đầu, bao gồm điều kiện góp vốn, hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và định giá tài sản góp vốn, nhằm siết chặt quy trình và loại bỏ nguy cơ gian lận ngay từ khâu đăng ký thành lập.
Trước đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng việc yêu cầu doanh nghiệp cung cấp các loại giấy tờ chứng minh tài chính trong giai đoạn đăng ký thành lập sẽ tạo thêm chi phí và gánh nặng thủ tục hành chính, đi ngược lại với chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp giai đoạn 2025–2026.
Về phía cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cân nhắc quy định liên quan đến việc ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong công tác hậu kiểm doanh nghiệp. Lý do là các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính đều trực thuộc UBND và chịu sự chỉ đạo điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố, do đó việc xây dựng quy chế phối hợp cần được tính toán phù hợp với cơ cấu tổ chức hiện hành, tránh chồng chéo hoặc phát sinh bộ máy mới không cần thiết.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận, lấy ý kiến và hoàn thiện trong kỳ họp lần này. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, góp phần tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững trong giai đoạn mới.