Bài liên quan |
Bổ sung quy định trách nhiệm người nổi tiếng phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm vào Luật Quảng cáo |
Sáng 10/5, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thảo luận về dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi. Một trong những nội dung đáng chú ý là việc loại bỏ quy định yêu cầu người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng sản phẩm trước khi thực hiện quảng cáo – một điều khoản từng gây nhiều tranh luận khi được đề xuất trong các phiên góp ý trước đó.
Theo báo cáo thẩm tra do ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội trình bày, việc bỏ quy định này xuất phát từ thực tế cho thấy tính khả thi của nó chưa cao, rất khó kiểm soát và khó triển khai trên diện rộng. Trong bối cảnh hoạt động quảng cáo ngày càng đa dạng, lan tỏa mạnh mẽ qua mạng xã hội và các nền tảng số, việc xác minh việc người nổi tiếng đã thực sự sử dụng sản phẩm hay chưa là điều gần như không thể.
![]() |
Làm rõ khái niệm "người có ảnh hưởng" trong dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi |
Tuy nhiên, không vì thế mà dự thảo luật buông lỏng trách nhiệm của người tham gia quảng cáo, đặc biệt là các cá nhân có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Ngược lại, Luật sửa đổi bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tăng cường tính minh bạch trong quảng cáo.
Cụ thể, người tham gia quảng cáo có trách nhiệm cung cấp thông tin trung thực, chính xác về tính năng, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nếu nội dung quảng cáo sai lệch, không đúng quy định, cá nhân thực hiện quảng cáo sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Lần đầu tiên, dự thảo Luật đưa ra định nghĩa chính thức về “người có ảnh hưởng” – bao gồm chuyên gia, người có uy tín hoặc cá nhân được xã hội quan tâm trong các lĩnh vực cụ thể. Đối với nhóm đối tượng này, luật quy định rõ nghĩa vụ kiểm chứng độ tin cậy của sản phẩm và tài liệu liên quan trước khi quảng cáo. Họ cũng phải công khai với người tiêu dùng rằng mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo, tránh tình trạng mập mờ giữa chia sẻ cá nhân và quảng bá thương mại.
Giải thích cho việc áp dụng một số nghĩa vụ riêng biệt đối với người nổi tiếng, ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: “Đây là nhóm có lượng lớn người theo dõi và tin tưởng; lời nói, hành động của họ có tác động mạnh mẽ đến hành vi tiêu dùng. Do đó, họ cần có trách nhiệm cao hơn khi tham gia hoạt động quảng cáo”. Theo ông, các quy định mới sẽ buộc người nổi tiếng phải thận trọng trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ cũng như đối tác quảng cáo, từ đó góp phần hạn chế tình trạng quảng cáo gian dối, lừa dối người tiêu dùng.
Một nội dung khác cũng được điều chỉnh trong dự luật lần này là việc bỏ yêu cầu người nổi tiếng phải trực tiếp sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung khi quảng cáo trên mạng xã hội. Thay vào đó, dự thảo luật quy định chung về nghĩa vụ và trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo các loại hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe con người.
Liên quan đến vấn đề chế tài xử lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các quy định về xử phạt hành chính và các hình thức xử lý khác đối với hành vi vi phạm trong quảng cáo. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo đã được chỉnh sửa theo hướng quy định rằng: “Người quảng cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”, thay vì quy định “chịu trách nhiệm liên đới” như trước đây – điều từng gây nhiều băn khoăn do không phân biệt được mức độ chủ động hay bị động của người thực hiện quảng cáo.
Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi hiện đang được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào ngày 11/6 tới. Việc điều chỉnh các quy định theo hướng linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ về trách nhiệm là một bước tiến trong việc tạo ra môi trường quảng cáo lành mạnh, công bằng và bảo vệ người tiêu dùng trong thời đại số.