Để đảm bảo thống nhất việc quản lý nhà nước về nội dung quảng cáo, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, người tiếp nhận nội dung quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Cơ quan soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã đưa ra quy định trách nhiệm của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng như: thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.
Bổ sung quy định đối với trách nhiệm của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm (Ảnh Internet) |
Nội dung dự thảo này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức rất nhiều cuộc hội nghị, hội thảo để lấy ý kiến góp ý của các thành phần trong xã hội và nhận được sự đồng tình đối với quy định này.
Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh có cùng quan điểm về việc bổ sung quy định đối với trách nhiệm của người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng phải là người trực tiếp sử dụng sản phẩm, đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng sản phẩm quảng cáo khi chuyển tải nội dung quảng cáo.
Ngoài ra, về việc rà soát hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng trên địa bàn thành phố, hiện nay, hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng ngày càng phổ biến, mọi công dân đều có thể thực hiện việc quảng cáo sản phẩm, không chỉ riêng đối với người nổi tiếng. Về vấn đề này, phía Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, chỉ quản lý đối với các nghệ sĩ là công chức, viên chức trực thuộc các đơn vị do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý và cấp phép biểu diễn nghệ thuật trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Do đó, Sở Văn hóa và Thể thao không có quyền hạn, trách nhiệm về quản lý con người, hoạt động thường ngày, công việc của nghệ sỹ nói riêng và người nổi tiếng nói chung.
Hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng hiện do Sở Thông tin và Truyền thông quản lý. Đối với việc quản lý hoạt động quảng cáo của người nổi tiếng, theo Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh thì Sở đã triển khai công tác kiểm tra, xử lý quảng cáo đối với người nổi tiếng (KOLs) tham gia quảng cáo các sản phẩm kém chất lượng, chưa được kiểm duyệt hoặc cấp phép theo quy định, ngăn chặn kênh, tài khoản mạng xã hội, trang thông tin điện tử vi phạm. Xây dựng cơ sở dữ liệu và phân nhóm theo mảng nội dung để thực hiện các chính sách truyền thông chủ động cho ngành, lĩnh vực thông qua người sáng tạo nội dung (KOLs) của Thành phố; triển khai các quy định, chiến lược và giải pháp của Thành phố để các nhà sáng tạo nội dung (KOLs), công ty truyền thông, mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), người nổi tiếng (KOC) chấp hành và cam kết phối hợp thực hiện.
Đối với các hoạt động quảng cáo ngoài trời do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, các doanh nghiệp quảng cáo khi thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời đều tuân thủ các quy định đảm bảo về nội dung quảng cáo chính xác, rõ ràng, cung cấp đầy đủ thành phần hồ sơ chứng minh sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; đảm bảo các điều kiện quảng cáo đối với các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt theo quy định của Luật Quảng cáo.