Chiều ngày 26/6/2025, tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Thanh Vương - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM) đã có những chia sẻ đáng chú ý về công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là đối với các cá nhân có sức ảnh hưởng như nghệ sĩ, KOL (Key Opinion Leader).
![]() |
Ông Trần Thanh Vương - Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM) |
Theo ông Vương, hiện nay chưa có quy định pháp luật riêng biệt dành cho việc xử phạt nghệ sĩ, người nổi tiếng trong các hành vi quảng cáo sai sự thật. Tuy nhiên, các cá nhân không phân biệt mức độ nổi tiếng vẫn phải chấp hành đầy đủ quy định của Luật Quảng cáo và chịu chế tài theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ nếu vi phạm quy định về hành vi bị cấm trong quảng cáo. Cụ thể, “quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
“Đối với từng vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, mức độ, hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức, kể cả nghệ sĩ, người có ảnh hưởng đến số đông công chúng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”, ông Vương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 về Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, yêu cầu người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo phải truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng và không lợi dụng uy tín cá nhân để tiếp tay cho quảng cáo sai phạm.
![]() |
Không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã tham gia quảng cáo các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng, dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng. |
Một điểm mới rất đáng chú ý được ông Vương thông tin thêm là Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Luật mới lần đầu tiên đặt ra khung pháp lý rõ ràng đối với Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trên mạng, bao gồm cả KOL và Influencer – những cá nhân có sức lan tỏa lớn trên nền tảng số. Đây được xem là bước tiến quan trọng, kịp thời đáp ứng thực tiễn phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng bị ảnh hưởng bởi các lời quảng bá thiếu kiểm chứng từ người nổi tiếng.
“Đi kèm với Luật mới sẽ là các biện pháp chế tài đủ mạnh, có tính răn đe, nhằm siết chặt quản lý quảng cáo trực tuyến. Mục tiêu là đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế tối đa việc lan truyền thông tin sai lệch, đánh tráo khái niệm”, ông Vương nói.
Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh khẳng định đang triển khai các biện pháp hậu kiểm quyết liệt, đặc biệt đối với quảng cáo các sản phẩm nhạy cảm như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. Đơn vị này cũng phối hợp với các doanh nghiệp, nền tảng số yêu cầu chủ động rà soát, gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai lệch, đặc biệt là các sản phẩm như sữa giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Đáng lưu ý, Sở đã yêu cầu các doanh nghiệp có trang thông tin điện tử tổng hợp và cung cấp dịch vụ mạng xã hội trên địa bàn Thành phố phải tăng cường công tác kiểm duyệt nội dung quảng cáo, đặc biệt là từ phía đối tác, người nổi tiếng hợp tác quảng bá sản phẩm.
Việc ban hành Luật Quảng cáo sửa đổi với quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của KOL, Influencer là bước đi được dư luận trông đợi từ lâu. Trên thực tế, không ít nghệ sĩ, người nổi tiếng đã tham gia quảng cáo các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, thổi phồng công dụng, dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng lại “miễn nhiễm” trước chế tài vì khoảng trống pháp lý.
Khi luật mới chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2026, kỳ vọng sẽ thiết lập một hành lang pháp lý minh bạch, công bằng và nghiêm khắc, giúp thị trường quảng cáo trực tuyến trở nên chuyên nghiệp và chuẩn mực hơn. Thực tế trong Luật mới và các chế tài đi kèm sẽ không còn “vùng xám” cho hoạt động tiếp thị trá hình, phóng đại công dụng, đồng thời đòi hỏi những người có ảnh hưởng phải chịu trách nhiệm rõ ràng cho phát ngôn và hành động của mình.