Lai Châu triển khai chính sách hỗ trợ các tổ nhóm, doanh nghiệp phát triển nông, lâm nghiệp

13:58 16/04/2021

Trong năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đã chịu ảnh hưởng rất lớn của thiên tai, dịch bệnh như: mưa đá diện rộng, kéo dài nhiều đợt ngay từ đầu năm; giông lốc, mưa lũ, sạt lở đất; bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và đại dịch COVID-19. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực phấn đấu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh của các cấp, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân nên tỉnh đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Năm 2020, tổng sản phẩm ngành Nông nghiệp ước đạt 1.770 tỷ đồng, chiếm 15,5% giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng ước đạt 4%. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 220 nghìn tấn; diện tích chè trồng mới 760ha; diện tích trồng mới cây ăn quả ước đạt 977ha; tổng sản lượng thủy sản ước đạt 2.653 tấn. Cùng với đó, bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt mục tiêu đề ra với 15,5 tiêu chí/xã.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều kết quả chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, hiện nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư, liên kết phát triển nông nghiệp còn hạn chế; sản phẩm OCOP chưa nhiều và chưa đạt chất lượng cao… 

Lai Châu triển khai chính sách hỗ trợ các tổ nhóm, doanh nghiệp phát triển nông, lâm nghiệp. Ảnh: Internet
Lai Châu triển khai chính sách hỗ trợ các tổ nhóm, doanh nghiệp phát triển nông, lâm nghiệp. Ảnh: Internet.

Được biết, năm 2021, ngành Nông nghiệp Lai Châu đề ra một số mục tiêu trọng tâm, trong đó phấn đấu tổng sản lượng lương thực đạt 222 nghìn tấn; Chè trồng mới 680 ha; Trồng mới cây ăn quả: 585 ha; Tốc độ tăng đàn gia súc trên 5%. Xây dựng nông thôn mới: Có thêm 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã.

Cụ thể, thời gian này, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành 02 Nghị quyết là Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025.

Theo Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND bao gồm các hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm; phát triển các sản phẩm OCOP. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này. Trong đó, nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ sản xuất lúa hàng hóa tập trung (giống, vôi cải tạo đất); phát triển chè (vùng chè tập trung chất lượng cao, cây chè cổ thụ); hỗ trợ trồng mới cây ăn quả tập trung (giống, phân bón lót, bón thúc năm thứ nhất theo quy trình cho 100% diện tích trồng mới; hỗ trợ công chăm sóc, phân bón năm thứ 2, thứ 3 trong thời kỳ kiến thiết cơ bản); hỗ trợ trồng hoa, rau, củ quả (đối với hoa địa lan; đối với hoa, rau, củ quả khác); hỗ trợ phát triển cây mắc ca; hỗ trợ chuồng trại chăn nuôi, làm hầm biogas và đệm lót sinh học; hỗ trợ trồng cỏ và các loại thức ăn cho gia súc; hỗ trợ phát triển nuôi ong, cá lồng; hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (bao gồm sản phẩm tiềm năng và sản phẩm đã được công nhận OCOP); hỗ trợ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản với các mức khác nhau cho doanh nghiệp, hợp tác xã và cho hộ sản xuất nhỏ để khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Theo Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND quy định một số nội dung về chính sách phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, bao gồm hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán, mở đường lâm nghiệp và đầu tư trồng rừng phòng hộ, đặc dụng. Đối tượng áp dụng là các cá nhân, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện chính sách quy định tại Nghị quyết này.

Nhận thức rõ được vị trí, tầm quan trọng của lĩnh vực nông - lâm nghiêp đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, anh ninh của tỉnh. Những năm qua các cấp, ban ngành tỉnh Lai Châu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung đầu tư, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương phát triển nông - lâm nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Dũng nhận định các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ gia đình sẽ là hạt nhân để lan tỏa chính sách của tỉnh đến với các giai tầng, đối tượng được thụ hưởng chính sách trên địa bàn.

Nhấn mạnh lại ý nghĩa của các Nghị quyết khi ban hành nhằm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với liên kết và bao tiêu sản phẩm. Các chính sách tỉnh ban hành trước đây chỉ tập trung vào hỗ trợ kinh tế hộ gia đình, nhưng Nghị quyết lần này tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và nhóm hộ. Các hộ gia đình muốn hưởng chính sách hỗ trợ cao hơn thì phải nâng cấp lên thành tổ hợp tác và nhóm hộ; cùng tham gia, liên kết, hỗ trợ, trao đổi với nhau các tri thức về thâm canh, về ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo sự gắn kết để cùng phát triển. Trong Nghị quyết cũng hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP vì thực tiễn thời gian vừa qua việc phát triển các sản phẩm này đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, thời gian tới mỗi xã phải phấn đấu xây dựng ít nhất một sản phẩm OCOP...

Lê Mai