Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngành sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với khoảng 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đáng chú ý, có tới 214 doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, chiếm hơn 61% tổng số doanh nghiệp trong ngành. Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu linh kiện tới nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức.
Việt Nam hiện xuất khẩu linh kiện ô tô với giá trị cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với kim ngạch nhập khẩu. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 24% tổng kim ngạch nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng. Nhật Bản đứng thứ hai với kim ngạch 2,46 tỷ USD, chiếm 22% tổng kim ngạch xuất khẩu linh kiện ô tô. Đáng chú ý, Việt Nam đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu dây cáp điện ô tô hàng đầu thế giới, cung cấp cho nhiều trung tâm sản xuất lớn như Nhật Bản, Mỹ, EU và Thái Lan.
![]() |
Kỳ vọng xuất khẩu phụ tùng ô tô giữ nhịp độ tăng trưởng 2 con số |
Kim ngạch xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô của Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 13,76 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước (12,01 tỷ USD). Mức tăng trưởng này phản ánh sự dịch chuyển sản xuất từ các thị trường lớn như Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam nổi lên như một điểm đến tiềm năng.
Theo các chuyên gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu dây điện ô tô lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2025 và xa hơn, khi các doanh nghiệp Việt ngày càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đầy tham vọng cho ngành công nghiệp ô tô đến năm 2045, với trọng tâm là sản xuất xe điện, xe hybrid và phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu phương tiện và phụ tùng sẽ đạt khoảng 14 tỷ USD vào năm 2030 và tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2045. Một số chuyên gia nhận định, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này sớm hơn dự kiến khoảng 5 năm.
Dư địa phát triển ngành sản xuất và xuất khẩu linh kiện ô tô tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Để tận dụng tối đa cơ hội này, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Bên cạnh đó, việc tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.