Kỳ tích Hậu Giang

00:17 15/01/2023

Năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13,94% của Hậu Giang xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thứ tư cả nước.

Thành tích kinh tế nổi bật của Hậu Giang trong năm 2022

Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang năm 2022 có bước phát triển vượt bậc so với năm trước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 13,94%, xếp thứ nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thứ tư cả nước. Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cụ thể: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 1,06 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng rất cao với mức tăng 36,55% đóng góp 8,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 8,84%, đóng góp 3,38 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,33%, đóng góp 0,74 điểm phần trăm. 

Ảnh minh họa

Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, tỉnh Hậu Giang. 

Quy mô nền kinh tế đạt  hơn 48 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành). Về cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực giữa các khu vực kinh tế so với cùng kỳ: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 24,06%, có mức chuyển dịch giảm 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,95%, có mức chuyển dịch tăng 6,63%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 36,86%, có mức chuyển dịch giảm 2,97%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm tỷ trọng 9,14% và có mức chuyển dịch giảm 0,65%. (Năm 2021 cơ cấu kinh tế lần lượt là: 27,06%; 23,32%; 39,83%; 9,79%).

GRDP bình quân đầu người cả năm 2022 ước đạt 65,89 triệu đồng/người/năm, tăng 11,63 triệu đồng/người so với năm 2021. Các chỉ tiêu năm 2022 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra (hoàn thành toàn diện 19/19 chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh); nhất là phát triển kinh tế tiếp tục là điểm sáng, tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay (13,94%), đứng đầu vùng ĐBSCL và vươn lên thứ 4 của cả nước (tăng 35 bậc so với năm 2021)…

Trí tuệ và sức mạnh làm nên kỳ tích kinh tế tỉnh Hậu Giang

Thực tế cho thấy, để có được kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2022, không thể phủ nhận vai trò, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của hệ thống chính quyền trong tỉnh. Đặc biệt, ngày 13/1 vừa qua, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác trung ương có buổi làm việc với Tỉnh ủy Hậu Giang và trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. 

Ảnh minh họa
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang- Nghiêm Xuân Thành

Hậu Giang phát triển tốt nền kinh tế trong thời gian qua là nhờ những yếu tố sau:

Một là: Trong nhiều năm qua, tỉnh Hậu Giang được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ ngành trung ương về các đường lối, chính sách phát triển kinh tế; nhân tài; vật lực và sự chi viện toàn diện của thành phố Cần Thơ để Hậu Giang phát triển.

Hai là: Sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, xã trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, sáng tạo đi đầu trong hành động cách mạng, gần gũi với dân, hỗ trợ nhân dân được nhân dân thương yêu, tin tưởng và ủng hộ.

Ba là: Hậu Giang chú trọng về đào tạo đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Triển khai các ứng dụng tiên tiến khoa học kỹ thuật và thực tiễn cuộc sống. Phát huy tích cực chuyển đổi số trong hệ thống các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh trên mọi lĩnh vực đây chính là điểm mấu chốt quan trọng để Tỉnh Hậu Giang chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi và đạt thành tích cao trong phát triển kinh tế… đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; hành chính công; văn hóa; y tế;  giáo dục… tạo nên một bức tranh rất sáng ở nơi khó khăn nhất khu vực cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Bốn là: Từ một đơn vị khó khăn, Trung ương phải hỗ trợ ngân sách thường xuyên, thiếu vốn, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu cán bộ, qui mô nền kinh tế cực thấp, đời sống của đồng bào, chiến sỹ và cán bộ viên chức rất khó khăn. Hậu Giang đã vùng lên, tự cân đối được ngân sách, tận dụng mọi nguồn lực bên ngoài xã hội và trong nhân dân để xây dựng nền kinh tế phát triển toàn diện trên cả 3 khu vực: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ. Hậu Giang đã vượt qua được cơn đại dịch COVID-19, tái khởi động một nền kinh tế toàn diện với xuất phát điểm rất thấp nhưng thành quả lại rất cao vượt trên cả sự mong đợi.

Năm là: Đoàn kết là một truyền thống quý báu của đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang. Được vun đắp xây dựng từ tỉnh đến huyện, xã. Chấp hành kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh để quản lý xã hội được đề cao, tạo dựng lòng tin của nhân dân với Đảng và chính quyền các cấp là đảm bảo điều kiện cho mọi thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đặt ra. Quan tâm chăm bồi lực lượng trẻ kế thừa sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đấu tranh chống lại các thế lực thù địch bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và nhân dân. 

Kinh xáng Xà No điểm Giao thông huyết mạch của vân tải thủy của cả vùng Hậu Giang.
Kênh Xáng Xà No - điểm giao thông huyết mạch của vân tải thủy của cả vùng Hậu Giang. 

Hậu Giang còn nhiều tiềm năng tự nhiên chưa được khai thác hết, miền đất Hậu Giang còn lưu giữ và bảo tồn nhiều di tích lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của sông nước Nam Bộ. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hậu Giang có truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, vượt qua những khó khăn, thách thức để xây dựng quê hương, hòa nhập với tiến trình phát triển của đất nước và hội nhập kinh tế. Trên bước đường đi tới, Hậu Giang rất cần hợp tác phát triển với các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa. Với tiềm năng sẵn có và truyền thống mến khách, Hậu Giang luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư. Đến với Hậu Giang các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án…

Đặng Hồng Lương