Theo báo cáo của UBND TP. Hà Hội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I tăng 5,17% - gấp 1,25 lần mức tăng cùng kỳ (quý I/2020 tăng 4,13%). Tổng thu ngân sách Nhà nước quý I là 72.393 tỷ đồng, đạt 30,8% dự toán Chính phủ giao. Chi ngân sách địa phương là 12.558 tỷ đồng, đạt 11,6% dự toán đầu năm, bằng 91,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tháng 3 đạt 1.078 triệu USD, tăng 24,4% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020, tính chung trong quý I/2021 đạt 3.118 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 đạt 2.177 triệu USD, tăng 3,3% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 3 tháng đầu năm, đạt 6.988 triệu USD, tăng 4% (cùng kỳ giảm 21,3%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3 tăng 12,9% so với tháng 2 và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% - gấp 1,75 lần cùng kỳ so với cùng kỳ (tăng 4,4%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 đạt 46 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 2 và tăng 1,6% so cùng kỳ năm 2020. Quý I/2021 đạt 145,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% - gấp 3 lần so cùng kỳ. Hàng hóa được cung ứng dồi dào, đa dạng, giá bán tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng trong dịp Tết. TP đã thực hiện tốt hoạt động kết nối, tiêu thụ nông, thủy sản các tỉnh, TP và quận, huyện trên địa bàn gặp khó khăn về tiêu thụ do ảnh hưởng dịch Covid-19….
Về thu hút đầu tư phát triển, trong quý I, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ; thu hút 101,5 triệu USD vốn FDI (trong đó 69 dự án mới - số vốn 49,8 triệu USD; 22 dự án bổ sung vốn đầu tư - số vốn 51,7 triệu USD). Đã phê duyệt chủ trương cho 20 dự án vốn ngoài ngân sách (bao gồm dự án mới và tăng vốn), tổng số vốn 3.241 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận cho 5.873 doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 59,8 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, từ tháng 3/2021, kinh tế Thủ đô bắt đầu tăng tốc, có dấu hiệu tăng trưởng ổn định và đi đúng hướng theo kế hoạch và mục tiêu chung của năm 2021.
Đáng chú ý, báo cáo của Cục Thống kê TP. Hà Nội cho thấy, kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I/2021 có chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với quý trước. Trong đó, có 22,6% số doanh nghiệp nhận định sản xuất kinh doanh quý I/2021 tốt hơn so với quý IV/2020; 38,7% doanh nghiệp cho rằng giữ nguyên và 38,7% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn. Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch Covid-19 được khống chế, trong tầm kiểm soát, dự kiến trong quý II/2021, các doanh nghiệp đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên so quý I/2021 là 48,2%; giữ nguyên là 32,3% và khó khăn là 19,5%.
Bên cạnh kết quả tích cực nêu trên, ngành du lịch vẫn khó khăn, khách du lịch giảm mạnh do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Khách quốc tế tháng 3 ước giảm 81,6% so với cùng kỳ năm 2020; lũy kế 3 tháng đầu năm, tổng lượng khách du lịch đạt 280 nghìn lượt, giảm 87,7% (quý I/2020 giảm 47,2%), trong đó khách quốc tế 50 nghìn lượt, giảm 92,5%, (cùng kỳ giảm 36,9%); khách nội địa 230 nghìn lượt, giảm 85,7% (cùng kỳ giảm 48,2%).
Thực hiện quyết liệt mục tiêu kép, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế TP quý II, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo của năm 2021, tại hội nghị giao ban trực tuyến thường kỳ quý I/2021 của UBND TP. Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị, các đơn vị chức năng cần phân tích kỹ các chỉ tiêu đạt thấp trong quý I; xác định rõ lộ trình, kế hoạch thực hiện nhằm thúc đẩy các ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, đóng góp lớn cho GRDP của TP.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt các giải pháp căn cơ, khoa học về thu - chi ngân sách đúng luật, hiệu quả. Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách tại các địa bàn, đặc biệt là các quận, huyện có số thu đạt thấp cần đẩy mạnh thu thuế, phí; đấu giá đất,… Đôn đốc thu thuế và đẩy mạnh thu hồi nợ thuế. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công của TP. Đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án hoàn thành. Thúc đẩy tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm.
Đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, mua sắm, giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, TP. Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là các nông sản theo mùa vụ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư; tận dụng đón đầu các cơ hội, điều kiện hút làn sóng đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ, thương mại, du lịch của TP sau dịch Covid-19.
Đặc biệt, tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người nộp thuế, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
PV