Chiều 27/7, thảo luận về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần tăng đầu tư cho y tế, văn hóa, giáo dục và xem lại việc phân bổ cho một số dự án chưa thực sự cần thiết. Đơn cử như chuyển từ vốn vay sang vốn cấp phát cho Tổng Công ty Đầu tư đường cao tốc, đầu tư xây dựng đường nối giữa 2 ngôi chùa, cải tạo công sở, chỉnh trang đô thị vùng chưa cấp thiết...
Trong khi đó, tỷ lệ đầu tư giáo dục rất thấp trong tổng số vốn kế hoạch ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2021-2025, chỉ chiếm 3,8%. "Nghị quyết Đại hội Đảng XIII khẳng định vấn đề phát triển con người là một trong ba khâu đột phá chiến lược, thế nhưng chúng ta đầu tư 3,8% cho giáo dục đào tạo thì làm sao thỏa đáng?", ông Cường băn khoăn.
Ông Cường dẫn chứng công bố của một tổ chức nghiên cứu, đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay rất thấp, không chỉ so với các nước trong khu vực mà cả thế giới. Trong khi Việt Nam đầu tư khoảng 0,33% GDP cho giáo dục đại học thì những nước ở trong khu vực có mức đầu tư thấp như Indonesia cũng chi ngân sách gấp đôi (khoảng 0,57%), Trung Quốc gấp 3 lần (0,87%), Australia gấp 5 lần (1,5% GDP); Phần Lan gấp 6 lần là 1,89%.
Theo đại biểu Hà Nội, người dân Việt Nam có thể thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu ở, nhưng vẫn dành toàn bộ số tiền mình có để đầu tư giáo dục cho con. Giáo dục Việt Nam dù có mức đầu tư khiêm tốn, hiệu quả lại đang được đánh giá cao nhất. "Nếu chúng ta không dành phần đầu tư thỏa đáng cho giáo dục thì có lẽ đi ngược lại so với mong muốn, mong đợi của người dân", ông Cường nhấn mạnh.
Chung ý kiến, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) đánh giá mức dự kiến chi cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề 3,8% là quá thấp. "Dù đây chỉ là chi theo Luật Đầu tư công, nhưng Luật Giáo dục 2019 quy định ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo ít nhất là 20% tổng chi ngân sách nhà nước", ông Giang nhấn mạnh.
Đại biểu Dương Minh Ánh phân tích, Đảng luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây khẳng định "nguồn lực con người là quan trọng nhất, mang tính quyết định với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Để có nguồn lực con người thì ngoài truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc có vai trò vô cùng quan trọng của giáo dục".
Tuy nhiên, dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 ở mục Phụ lục 3, nguồn kinh phí cho lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp khoảng 22.970 tỷ đồng, chiếm 2,52% nguồn vốn ngân sách trung ương. "Như vậy cho thấy nguồn lực chưa cân đối và chưa đảm bảo được mục tiêu phát triển giáo dục", bà Ánh nói.
Đối với đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị dành nguồn đầu tư công thỏa đáng. Khi được đầu tư, cải thiện điều kiện dạy và học, các cơ sở đào tạo sẽ chuẩn bị nguồn nhân lực và lực lượng sản xuất trong xu thế phát triển mới, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đảm bảo đất nước thích ứng và phục hồi nhanh nhất nền kinh tế sau đại dịch, tận dụng thời cơ dân số vàng.
"Việc đầu tư cho các lực lượng lao động có chất lượng cao góp phần quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng trong việc thoát nghèo bền vững", bà nói.
Còn đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ thì đánh giá giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được ưu tiên trong các kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, tỷ lệ chi ngân sách cho các lĩnh vực trên thời gian qua chưa bao giờ đạt được mục tiêu đề ra.
"Hy vọng rằng Quốc hội trong nhiệm kỳ mới sẽ có sự giám sát chặt chẽ hơn vấn đề phân bổ ngân sách cho các lĩnh vực quan trọng này để hàng năm không còn tình trạng báo cáo tỷ lệ không đạt kế hoạch đề ra", bà nói.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách Nhà nước dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó 1,5 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương và 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Trong phương án phân bổ, tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, vốn tập trung cao nhất cho các hoạt động kinh tế với 74,1% tổng số vốn kế hoạch; tiếp đến là lĩnh vực quốc phòng chiếm 7,7%; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp chiếm 3,8%; y tế, dân số và gia đình chiếm 3,2%; khoa học và công nghệ chiếm 1,8%.
Hoàng Thùy/vnexpress.net