Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khoảng 69.219 hộ, hơn 275.000 người; trong đó nhiều nhất là đồng bào dân tộc Khmer, với hơn 59.220 hộ, gần 238.000 người, chiếm 13,4% dân số toàn tỉnh.
Trong giai đoạn 2021-2025, với chính sách đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của bà con dân tộc thiểu số tăng 2 lần so với hiện nay, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm từ 1-1,5% và giảm 60% số xã không còn đặc biệt khó khăn…
Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành nhấn mạnh tỉnh sẽ thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bảo đảm các dân tộc sinh sống trên địa bàn bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo đột phá trong phát triển toàn diện kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh, bền vững, cải thiện rõ rệt đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc.
Tỉnh Kiên Giang cũng gia tăng đầu tư nguồn lực của Nhà nước kết hợp các nguồn lực xã hội khác để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nhất là đường giao thông liên vùng kết nối với các vùng phát triển. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, xoá đói giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Cụ thể như hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Các địa phương trong tỉnh hướng bà con vào các hợp tác xã, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống lạc hậu, hiệu quả kinh tế kém, đồng thời chuyển giao những mô hình kinh tế hiệu quả, hướng dẫn người dân sản xuất.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số cảnh giác, đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, để bà con yên tâm phát triển kinh tế gia đình đạt hiệu quả, đời sống sung túc, vui tươi, hạnh phúc.
Trong giai đoạn 2014 - 2020 vừa qua, hưởng ứng chương trình 135, tỉnh đã đầu tư gần 80 tỷ đồng xây dựng nhiều công trình như: Cầu, đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm y tế, trường học… phục vụ sản xuất, đời sống dân sinh. Tỉnh đầu tư hơn 145 tỷ đồng xây dựng hàng chục công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán phục vụ đồng bào và hơn 91 tỷ đồng xây dựng 10 công trình điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, sản xuất cho gần 8.000 hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các ngành, các cấp trong tỉnh cũng triển khai nhiều công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh huy động các nguồn vốn khác ngoài xã hội đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, đã vận động xây cất hơn 2.000 căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương; xây dựng trên 50 cầu bê tông, hàng trăm cây nước bơm tay và hàng chục km đường giao thông nông thôn… trị giá hàng chục tỷ đồng.
Trần Hà