Kiên Giang: Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025

10:02 10/06/2021

Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều biện pháp nhằm tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2025.

Theo Kế hoạch thời gian qua, các sở ngành, địa phương đã có một số hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá thực tế sơ bộ đã ghi nhận xác định sự hiện diện của 08 loài ngoại lai xâm hại. Trong đó có 02 loài có diện tích xâm hại cao với mật độ và phân bố trên diện rộng là cá Lau kính và ốc Bươu vàng.

Trứng ốc bươu vàng
Trứng ốc bươu vàng.

Tại Vườn Quốc gia Phú Quốc theo kết quả điều tra, đánh giá thực trạng xâm lấn của các loài thực vật ngoại lai vào năm 2018 đã ghi nhận 05 loài thực vật ngoại lai xâm hại, ảnh hưởng đến Vườn Quốc gia. Tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã hoàn thành điều tra, đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại vào năm 2019, đã ghi nhận đến 77 loài thực vật, 02 loài động vật ngoại lai xâm hại ở Vườn Quốc gia. Dực trên tình hình thực tế, UBND tỉnh Kiên Giang đã xác định những nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại đến năm 2025 như: Điều tra, thống kê xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh để đánh giá hiện trạng và mức độ xâm hại của các loài ngoại lai xâm hại; thống kê, xây dựng và công bố danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và sơ đồ phân bố của các lòi ngoại lai xâm hại. Tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị kiểm dịch trong việc kiểm tra, giảm sát các loài ngoại lai trên địa bàn tỉnh. Xây dựng năng lực khảo nghiệm, đánh giá khả năng xâm hại của loài ngoại lai. Thực hiện chương trình kiểm soát và diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Ốc Bươu vàng, cây Mai dương, Rùa Tai đỏ, cá Dọn bể .

Ngoài ra, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngăn ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Trong đó xây dựng chương trình đào tạo, truyền thông về ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại cho các nhóm đối tượng như: Cán bộ chuyên môn thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh; huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; các Ban Quản lý khu bảo tồn thiên nhiên; các tổ chức, cá nhân có hoạt động buôn bán, tiêu thụ, lưu giữ các loài ngoại lai xâm hại; học sinh các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Khuyến khích, huy động cộng đồng tham gia phòng ngừa, giám sát và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; tăng cường tuyên truyền về loài ngoại lai xâm hại trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống phát thanh cấp xã và các hình thức khác như: Tọa đàm, hội thảo, trao đổi nhóm, phát tờ rơi,...

Trần Hà