Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các biện pháp chống khai thác IUU, phía Ủy ban Châu Âu (EC) đã đánh giá cao sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Qua đó kết quả triển khai các quy định về chống khai thác IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước. Tính đến 31-8, đã có 27.628 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 90,26%; số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 85.620 tàu cá, đạt 90,53%.
Công tác thực thi pháp luật trong xử phạt đối với hành vi khai thác IUU đã được chú trọng, đặc biệt là xử lý vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình, từ đầu năm 2021 đến nay, các địa phương đã xử phạt 1.527 vụ, tổng số tiền xử phạt trên 13,7 tỷ đồng. Công tác kiểm soát tàu cá Việt Nam ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng được tăng cường; đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ngăn chặn, chấm dứt được tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tập trung tại các tỉnh Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, phía EC khẳng định không gỡ thẻ vàng nếu còn trường hợp vi phạm. Một số tỉnh chưa hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU còn rất thấp so với các vụ việc vi phạm, đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày; việc tổ chức kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng nhiều địa phương tổ chức chưa đảm bảo tin cậy, còn mang tính chất đối phó như tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu,..
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là 28 tỉnh, thành phố, 136 huyện, thị xã và 675 xã, phường, thị trấn có biển phải khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém thực hiện mục tiêu đã đề ra. Trong đó các bộ, ngành và Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản IUU phối hợp, hoạt động quyết liệt, mạnh mẽ, thường xuyên hơn nữa; phân cấp, phân quyền rõ ràng, cụ thể. Trên cơ sở đó triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, quy định của Đảng, Nhà nước về chống khai thác hải sản IUU. "Đến hết năm 2021 chúng ta phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định để EC gỡ “thẻ vàng IUU. Đây không chỉ vì lợi ích riêng của Việt Nam mà vì bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản chung của khu vực và quốc tế, khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế". Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành như: Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành và địa phương kiểm soát chặt chẽ tàu cá để phát hiện, ngăn chặn xử lý nếu có vi phạm. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn; nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam; trao đổi với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời đấu tranh, bảo vệ lợi ích, quyền lợi chính đáng của ngư dân ta. Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm, cùng các địa phương, Bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, khích lệ người dân chống khai thác hải sản IUU; triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ quản lý tàu cá. Tiếp tục tổ chức thực hiện luật Thủy sản, văn bản hướng dẫn thi hành Luật, quy định chống khai thác IUU; thường xuyên củng cố, tăng cường năng lực hoạt động của các Ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Thanh tra,… tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cán bộ để đáp ứng tình hình nhiệm vụ quản lý tàu cá, hoạt động trên biển,….quan tâm đầu tư khai thác hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá.
Theo Ban Chỉ đạo tỉnh Kiên Giang về IUU, toàn tỉnh vẫn còn hơn 300 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỷ lệ khoảng 10% tổng số tàu cá bắt buộc phải lắp thiết bị này. Những tháng đầu năm nay, đơn vị chức năng đã phát hiện hơn 2.000 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, chiếm 55,5% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; hơn 1.050 trường hợp tàu cá mất tín hiệu kết nối trên cảng, nhưng việc xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm còn rất hạn chế. Trước thực trạng đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu Chi cục Thủy sản tỉnh, trên cơ sở báo cáo rà soát, thống kê số lượng tàu cá toàn tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình mất kết nối của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Kiên Giang tiến hành phân loại, đề xuất giải pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định hiện hành.
Trần Hà