Bài liên quan |
Lượng thịt nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ sau 5 tháng tăng liên tiếp |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã chi tới 1,24 tỷ USD để nhập khẩu thịt và các phụ phẩm động vật làm thực phẩm, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Mỹ, Nga, Đức và Hàn Quốc.
Đáng chú ý, từ khi Thông tư số 04 có hiệu lực vào ngày 16/5/2024, đến ngày 25/9, các cơ quan chức năng đã phát hiện 55 lô hàng nhiễm vi khuẩn Salmonella trong tổng số 6.679 lô hàng được xét nghiệm, chiếm tỷ lệ gần 1%. Nếu không được kiểm tra, ước tính khoảng 1.320 tấn thịt nhiễm Salmonella có thể đã được nhập vào Việt Nam, gây nguy cơ lớn đối với sức khỏe người tiêu dùng và an toàn thực phẩm.
Kiểm soát chặt chất lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam. |
Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, việc kiểm dịch nhập khẩu đối với những lô hàng không nhiễm khuẩn được thực hiện trong vòng 1-3 ngày. Tuy nhiên, đối với những lô hàng có kết quả dương tính, quy trình kiểm tra chi tiết cần mất từ 5-6 ngày theo quy định pháp luật.
Thông tư 04 đã thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia xuất khẩu thịt vào Việt Nam. Các tham tán nông nghiệp và cán bộ đại sứ quán của nhiều quốc gia như Mỹ, Brazil, Singapore, Pháp, Hàn Quốc, Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan đã bày tỏ lo ngại về những quy định mới, cho rằng việc này có thể gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu thịt. Tuy nhiên, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khẳng định rằng Thông tư 04 tuân thủ các quy định quốc tế và không gây trở ngại đáng kể cho các doanh nghiệp nhập khẩu trong thời gian qua.
Cục Thú y cũng lưu ý rằng, nhiều quốc gia trên thế giới có các quy định rất nghiêm ngặt đối với việc nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm từ Việt Nam. Ví dụ, Liên minh châu Âu (EU) không chấp nhận sự hiện diện của Salmonella spp trong 25g thịt nhập khẩu, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản cũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí về vi khuẩn này.
Trước những phát hiện về các lô hàng nhiễm Salmonella, các doanh nghiệp và hiệp hội trong nước đã nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT cần siết chặt hơn nữa các biện pháp kiểm soát hàng nhập khẩu. Điều này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, mà còn giúp bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép từ sản phẩm nhập khẩu.