Khi khó khăn là cơ hội
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng không phủ nhận thị trường nội địa mang lại nhiều cơ hội, đặc biệt trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính…Việc khai thác tốt thị trường nội địa có thể giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững và xây dựng thương hiệu mạnh mẽ.
Hiện cả nước có 1.241 siêu thị, 254 trung tâm thương mại. Hơn 10 thương hiệu của các nhà phân phối đến từ châu Âu và châu Á đã đầu tư xây dựng cơ sở ở Việt Nam như: Lotte, Central Group, TCC Group, Aeon, Circle K, KMart, Auchan, Family Mart…).
Toàn quốc đã thiết lập trên 100 điểm bán hàng cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại hầu hết các địa phương. Có 8.517 chợ truyền thống (61 chợ đầu mối), gần 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa. Kênh bán lẻ truyền thống đã có những thay đổi mạnh mẽ (sử dụng thanh toán điện tử, kết hợp cả bán hàng online với offline), tiếp cận xu hướng hiện đại từ trưng bày, giới thiệu hàng hóa, kết nối phản ánh người tiêu dùng với nhà sản xuất…
![]() |
Các siêu thị đồng loạt triển khai chương trình kích cầu tiêu dùng |
“Trên thế giới, hiếm có nền kinh tế nào lại mở như Việt Nam, khi xuất khẩu chiếm thành phần chủ đạo trong nền kinh tế. Vậy nên, tính cạnh tranh ở thị trường Việt Nam chẳng thua gì thị trường toàn cầu. Thậm chí có khi thị trường trong nước còn khốc liệt hơn so với toàn cầu” - theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Theo chuyên gia kinh tế nhận định: “Chỉ khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa mạnh, tức có thể chiếm được thị phần nổi trội và có thể sống khỏe ở sân nhà, thì nội lực của đất nước mới tăng lên”. Chúng ta không nên xem các doanh nghiệp cùng ngành là đối thủ cạnh tranh mà hãy xem là đối tác, lúc cần có thể hợp tác nhân đôi sức mạnh và cộng hưởng vượt lên. Hợp tác không nhất thiết là với doanh nghiệp cùng ngành mà có thể với doanh nghiệp khác ngành.
Để cải thiện tình trạng này, doanh nghiệp Việt cần đánh giá lại chiến lược kinh doanh của mình và tìm cách kết hợp phát triển sản phẩm cho thị trường nội địa, từ đó tối ưu hóa cơ hội thành công và phát triển lâu dài.
Thị trường nội địa không chỉ là tác nhân kích thích sản xuất hàng hoá, nâng cao dân trí, góp phần tạo tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế mà còn là cơ sở, chỗ đứng vững bền để mở rộng kinh tế đối ngoại.
Đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa
Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã trở thành một chiến lược quan trọng không chỉ cho phát triển kinh tế mà còn để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước. Kích cầu tiêu dùng nội địa không chỉ mang lại lợi ích cho nền kinh tế mà còn góp phần tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa người tiêu dùng và sản phẩm nội địa.
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng giảm sút doanh thu, thậm chí là phải tạm ngừng hoạt động. Để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cần có sự tham gia của nhiều bên từ chính phủ, doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Về phía Chính phủ đã áp dụng các chính sách giảm thuế, trợ giá cho những mặt hàng nội địa để khuyến khích tiêu dùng. Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị các bộ ngành thực hiện nhanh chóng, kịp thời các chế độ lương, thưởng để tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tham gia mua sắm, trải nghiệm.
Về phía doanh nghiệp cũng cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm nội địa nếu được cải thiện chất lượng và thiết kế sẽ hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng.
Tại nhiều siêu thị, nhiều chương trình kích cầu đang được triển khai như: Giảm 10%, 30%... có món hàng giá giảm đến một nửa; mua hàng kèm quà tặng.
Đối với người tiêu dùng: Mỗi người đều có thể đóng góp vào việc này thông qua lựa chọn hàng hóa trong nước. Chỉ cần mỗi cá nhân có ý thức và quyết tâm, chúng ta có thể tạo nên sức mạnh lớn lao để xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ hơn cho đất nước.
Theo dự đoán, sức mua của người tiêu dùng dịp lễ 30/4 -1/5 năm nay tăng 20 - 30% so với ngày thường. Các nhà bán lẻ cho biết, đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ, đồng thời mở rộng thời gian khuyến mãi kéo dài từ 2 đến 3 tuần.