Khánh Hòa: Chủ động bám sát tình hình của áp thấp nhiệt đới để ứng phó phù hợp

06:53 27/10/2021

Ngày 26/10/2021, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận về tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tham dự.

Đường đi của áp thấp nhiệt đới đến sáng 26/10/2021

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 26-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 300km, cách Ninh Thuận khoảng 280km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 đến cấp 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9; bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km (tính từ tâm áp thấp nhiệt đới). Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 7 giờ ngày 27-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến phía Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ). Dự báo từ nay đến hết ngày 27-10, từ Bình Định đến Ninh Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa to đến rất to, lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 300mm. Từ ngày 27 đến ngày 30-10, khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to do ảnh hưởng của không khí lạnh và nhiễu động gió Đông.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động bám sát tình hình của áp thấp nhiệt đới để có các chỉ đạo ứng phó phù hợp; tiếp tục theo dõi hoạt động của các tàu thuyền để kêu gọi di chuyển ra khỏi vùng áp thấp nhiệt đới; riêng các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận cần triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động ở các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Có kế hoạch vận hành điều tiết lũ đảm bảo an toàn hồ đập vừa tích trữ lượng nước phù hợp, riêng tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Phú Yên có kế hoạch tích trữ nước tại các hồ chứa để chuẩn bị ứng phó cho mùa khô hạn sắp tới (hiện dung tích các hồ chứa nước ở 2 địa phương này chỉ mới đạt khoảng 35% so với sức chứa). Các địa phương cũng cần quan tâm thực hiện các biện pháp về ứng phó với sạt lở và chuẩn bị phương tiện, vật lực, vật tư để thông đường khi có tình huống sạt lở đường xảy ra.

Ngay sau cuộc họp trực tuyến, ông Đinh Văn Thiệu chủ trì cuộc họp trực tiếp với các sở, ngành, địa phương về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên địa bàn tỉnh. Ông đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là trong công tác này và tiếp tục triển khai các phương án đã xây dựng trước đó; chuẩn bị các phương án đề phòng, ứng cứu trong những tình huống bất ngờ có thể xảy ra, nhất là ứng cứu các tình huống sạt lở ở những khu vực nguy cơ cao và tại các tuyến đường đèo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh theo dõi sát tình hình thời tiết để có phương án vận hành điều tiết nước tại các hồ chứa phù hợp nhằm tích nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất lúa vụ Đông Xuân năm 2022 (hiện nay, lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ chiếm 62% dung tích)… 

 Khánh Hòa, từ hôm kia  25/10 đã không có tàu thuyền nào đang nằm trong khu vực nguy hiểm. Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để ứng phó với đợt áp thấp nhiệt đới này, Khánh Hòa đã triển khai các biện pháp như: Tăng cường công tác thông tin, cảnh báo về diễn biến áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loa phát thanh… để người dân nắm bắt thông tin, chủ động ứng phó. Chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo từng lĩnh vực quản lý ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển kể từ 18 giờ ngày 25-10; ngừng hoạt động cáp treo Vinpearl Land kể từ 10 giờ ngày 26-10; cho học sinh nghỉ học vào ngày 26, 27-10…

Hiện nay, 2.898/3.363 tàu thuyền vào neo đậu tại các bờ; không có tàu thuyền nào đang nằm trong khu vực nguy hiểm; kêu gọi người dân trên các lồng bè vào nơi tránh trú với số người dân đã vào bờ là 5.120 người, còn 2.807 lao động trên các lồng bè đang được bộ đội biên phòng tiếp tục kêu gọi để vào bờ; chủ động sơ tán 448 hộ/5.070 người dân tại 6 điểm có nguy cơ sạt lở rất cao đến khu vực an toàn…

Nguyễn Xuân (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa)