Dự kiến, khoản đầu tư mới sẽ giúp tăng sản lượng hàng năm của nhà máy từ 11,5 tỷ vỏ hộp hiện tại lên 16,5 tỷ vỏ hộp, nhờ đó đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vỏ hộp giấy tiệt trùng ở trong nước và khu vực. Ngoài ra, nhà máy sẽ được trang bị thêm để có thể sản xuất các loại vỏ hộp giấy cao cấp thay thế hàng nhập khẩu.
Việc đầu tư nâng cấp cũng sẽ bao gồm hạng mục lắp đặt 2.300 tấm pin mặt trời trên phần mái của nhà máy. Đây là nỗ lực của công ty trong việc hiện thực hóa tham vọng loại bỏ triệt để phát thải khí nhà kính từ toàn bộ hoạt động công ty vào năm 2030.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang bị bủa vây bởi những thách thức do đại dịch, việc Tetra Pak mở rộng đầu tư tại Việt Nam là một điểm sáng rất tích cực, thể hiện vị trí dẫn đầu của doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bao bì thực phẩm.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, việc mở rộng này sẽ giúp cho các nhà sản xuất có thể yên tâm về nguồn cung và chất lượng nguyên liệu bao bì, đặc biệt trong giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt nghẽn như hiện nay. Việc có nguồn nguyên liệu đóng gói ngay tại địa phương như ở nhà máy Tetra Pak Bình Dương là một lợi thế lớn không chỉ cho các nhà sản xuất sữa mà cả ngành thực phẩm đồ uống nói chung.
Khoản đầu tư này là minh chứng cho chiến lược trọng tâm mà Tetra Pak không ngừng theo đuổi là bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất, một chiến lược có vai trò ngày càng quan trọng trong bối cảnh đại dịch.
Ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam khẳng định, khoản đầu tư thêm trị giá 5 triệu Euro này thể hiện niềm tin của Tetra Pak Việt Nam nói riêng và các doanh nghiệp FDI nói chung vào sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch.
Nhà máy Tetra Pak Bình Dương được đưa vào hoạt động từ giữa năm 2019 và là nhà máy thứ 8 của Tetra Pak tại khu vực Châu Á -Thái Bình Dương. Nhà máy sản xuất hộp giấy tiệt trùng cho thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước trong khu vực ASEAN, Australia và New Zealand.
Năm 2020, nhà máy Tetra Pak tại Bình Dương đạt chứng nhận LEED Vàng- Phiên bản 4 khắt khe nhất, giúp nhà máy tiết kiệm 17,6 triệu lít nước, tái sử dụng, tái chế 65% lượng chất thải và giảm phát thải 4.000 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm.
Theo: Minh Thi (Báo Chính phủ)