Trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường số cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam (e-SWB Vietnam), Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) - Bộ Công Thương đã phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam xây dựng và phát triển thành công các khóa học trực tuyến về các chủ đề sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên nền tảng đào tạo trực tuyến (Vietrade Edu) của Cục XTTM.
Đây là hoạt động nhằm giới thiệu phương thức học trực tuyến (E-learning) tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nhân nữ Việt Nam; tập trung nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các kỹ năng xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp và các nữ doanh nhân kinh doanh có tư duy chiến lược.
Theo kế hoạch hoạt động, tiếp sau khoá huấn luyện, Cục XTTM và Đại sứ quán Hà Lan tổ chức Cuộc thi “Nữ doanh nhân lập kế hoạch kinh doanh để thành công” nhằm nâng cao năng lực và khuyến khích các doanh nhân nữ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu một cách bài bản, có chiến lược và có kỹ năng lập kế hoạch để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động trên thực tế.
Khai mạc chương trình, ông Vũ Bá Phú - Cục Trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương đã có bài phát biểu khai mạc và nhấn mạnh: “Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh trên môi trường số cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam (e-SWB Vietnam) là dự án do Chính phủ Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tài trợ. E-SWB là hoạt động trong khuôn khổ của dự án phạm vi toàn cầu của trung tâm hỗ trợ quốc tế ITC hiện triển khai tại 25 quốc gia trên thế giới với mục tiêu kết nối 3 triệu nữ doanh nhân với thị trường thế giới. Tại Việt Nam, ITC phối hợp với Cục XTTM là đối tác quốc gia ITC ở Việt Nam triển khai SheTrades từ năm 2018, đến nay trong khuôn khổ của dự án e-SWB đã có 8 khóa học trực tuyến về hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị hệ thống kinh doanh và xuất khẩu đã được phát triển trên nền tảng đào tạo trực tuyến Vietrade Edu của Cục XTTM phiên bản Website và ứng dựng trên điện thoại. Với nền tảng Vietrade Edu, Cục XTTM muốn giới thiệu phương thức học trực tuyến tới các doanh nghiệp Việt Nam, cách thức học tập, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cá nhân… Việc lập kế hoạch kinh doanh luôn được xem là một trong những hoạt động quan trọng nhất và có khả năng ảnh hưởng cao đến tính khả thi, cũng như tính hiệu quả của doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, đây cũng là khâu rất nhiều doanh nghiệp nói chung và hoạt động xúc tiến thương mại nói riêng vẫn còn hạn chế về năng lực.
Nhấn mạnh việc lập kế hoạch kinh doanh, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chuyên gia đào tạo của hệ thống Vietrade Edu, Chủ tịch Học viện Doanh nhân MVV Việt Nam cho rằng, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào việc lập kế hoạch kinh doanh.
“Chọn sai thị trường hoặc sai nhà phân phối, đầu tư không thành công vào phân phối, nội địa hóa sản phẩm và bao bì, kết quả bán hàng kém, thanh toán chậm là những rủi ro tiềm ẩn”, chuyên gia Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.
Theo chuyên gia này, lập kế hoạch kinh doanh là công việc thường xuyên của doanh nghiệp. Việc kiểm tra và lập kế hoạch kinh doanh phải là việc của chủ sở hữu doanh nghiệp bởi lãnh đạo doanh nghiệp có tầm nhìn đủ xa trong việc lập kế hoạch.
Khóa học bao gồm nhiều nội dung như tầm quan trọng của kế hoạch kinh doanh, cách thức xây dựng bản kế hoạch kinh doanh, cung cấp bản tiêu chí đánh giá kế hoạch kinh doanh, hướng dẫn đánh giá năng lực doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp sử dụng mô hình chuỗi cung ứng, cách sử dụng 7P trong marketing...
Cũng tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Minh Thuý- Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin (Cục Xúc tiến thương mại) cho biết, trong khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực kinh doanh trên môi trường số cho doanh nghiệp nữ làm chủ tại Việt Nam” (e-SWB) và dự án toàn cầu SheTrades (Hỗ trợ doanh nhân nữ), Cục Xúc tiến thương mại, Đại sứ quán Hà Lan và ITC dự kiến tổ chức Cuộc thi “Nữ doanh nhân với kế hoạch kinh doanh thành công”. Cuộc thi nhằm nâng cao năng lực và khuyến khích các doanh nhân nữ sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu một cách bài bản, có chiến lược và có kỹ năng lập kế hoạch để tối ưu hoá hiệu quả hoạt động trên thực tế.
Là đối tượng chính tham dự cuộc thi các hội viên đã tham dự đầy đủ và đúng giờ. Các hội viên rất hào hứng khi tham gia hỏi đáp các vấn đề xung quanh chương trình đào tạo và cuộc thi. Họ sẽ là các ứng viên đã tham gia khóa đào tạo E-learning. Đồng thời bầy tỏ mong muốn thông qua Cục xúc tiến thương mại có những định hướng xuất khẩu là một lợi thế, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư từ các đối tác trong và ngoài nước đúng với mục tiêu của dự án E-SWB đã đề ra...
Hạnh Nguyễn