Kêu gọi doanh nghiệp "cùng cố gắng"

08:58 24/11/2022

Trước diễn biến của thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kêu gọi doanh nghiệp tham gia thị trường trái phiếu "cùng cố gắng để lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, chung tay thúc đẩy thị trường phát triển".

Ảnh minh họa
 Bản thân các tổ chức tín dụng cũng gặp áp lực cân đối vốn và bảo đảm thanh khoản.

Nhiều doanh nghiệp cùng chung nhận định: Khi lãi suất tiền gửi ngân hàng tăng cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm. Sự biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ, lãi suất tăng nhanh, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 của nhiều ngân hàng thương mại đã sử dụng gần hết, cùng với việc hút tiền từ lưu thông với khối lượng lớn,… dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu. Ngay bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng gặp áp lực cân đối vốn và bảo đảm thanh khoản.

Ngoài ra, thị trường thời gian qua bị ảnh hưởng do các tin đồn không chính xác, cả nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp đều có tâm lý e ngại.

Tại cuộc họp vào chiều 23-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận niềm tin của nhà đầu tư với trái phiếu và cổ phiếu đang rất thấp. Việc một số DN có sai phạm trên thị trường chứng khoán và trong hoạt động phát hành trái phiếu DN đã ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư, dẫn đến dòng tiền bị rút khỏi thị trường.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính vẫn khẳng định thị trường trái phiếu DN đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho DN và nền kinh tế. Trước diễn biến của thị trường, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kêu gọi DN tham gia thị trường trái phiếu "cùng cố gắng để lấy lại niềm tin của thị trường, niềm tin của nhà đầu tư, chung tay thúc đẩy thị trường phát triển".

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trên cơ sở kiến nghị của các DN, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để đưa ra những giải pháp trước mắt và dài hạn nhằm củng cố niềm tin và đưa thị trường tiếp tục phát triển bền vững. Quan trọng hơn cả là bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư để họ sớm quay lại thị trường, qua đó giữ vững vai trò của thị trường trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng.

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ rà soát khung pháp lý, đề xuất sửa đổi Luật Chứng khoán, Nghị định 65/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu DN ra thị trường quốc tế để góp phần giúp thị trường tiếp tục ổn định và phát triển" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cam kết.

Dữ liệu tổng hợp của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy trong nửa đầu tháng 11-2022 có 2 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với tổng khối lượng phát hành vỏn vẹn 150 tỉ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.599 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm ngoái; giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 240.955 tỉ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, nửa đầu tháng 11, các DN đã mua lại hơn 7.500 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu trước hạn được DN mua lại là 159.401 tỉ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo tin từ NLD, xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn không chỉ diễn ra đối với các DN niêm yết mà cả các tổ chức tín dụng. Dự kiến ngày 24-11, Ngân hàng (NH) TMCP Bưu điện Liên Việt sẽ mua lại 1.814 tỉ đồng trái phiếu sau 2 năm phát hành theo quyền mua lại của tổ chức phát hành, mức giá mua lại chính là mệnh giá (10 triệu đồng/trái phiếu). Danh sách người sở hữu trái phiếu đã được NH này chốt vào ngày 15-11.

Tại cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về giải pháp ổn định thị trường chứng khoán chiều 23-11, liên quan việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM, cho rằng các tổ chức phát hành phải là người chịu trách nhiệm trả nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư chứ không phải trách nhiệm của nhà nước. "Dù dòng tiền của các DN đang gặp khó khăn nhưng phải tìm cách xoay xở để có nguồn tài chính thực hiện cam kết với nhà đầu tư trái phiếu. Chỉ khi thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư thì mới lấy lại được niềm tin của họ, từ đó vực dậy và giúp thị trường trái phiếu DN phát triển" - ông Bình nói.

Ông Lê Quốc Bình kiến nghị cơ quan quan lý nhà nước thúc đẩy giải quyết hồ sơ pháp lý cho các dự án, nhất là dự án bất động sản, để DN có thể đưa sản phẩm ra thị trường, thu hồi vốn và thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi trái phiếu DN cho nhà đầu tư theo kỳ hạn cam kết.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rà soát tình hình đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp cuối năm 2022 và 2023, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu đến hạn để yêu cầu doanh nghiệp lên kế hoạch thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Nếu gặp vướng mắc, doanh nghiệp phải đàm phán phương án cơ cấu lại nợ trái phiếu phù hợp quy định, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình đáo hạn TPDN để yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm phương án thanh toán cả gốc và lãi, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà đầu tư.

Ảnh minh họa
Các doanh nghiệp bất động sản mong muốn Chính phủ đẩy nhanh phê duyệt các dự án mới để giảm bớt áp lực về thanh khoản, góp phần tác động tích cực đến thị trường chứng khoánNguồn ảnh NLĐO

Nhân Dân thông tin về tình hình đáo hạn và khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu thời gian tới, giá trị TPDN riêng lẻ đáo hạn trong 2 tháng cuối năm là 56 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 282 nghìn tỷ đồng, năm 2024 là 363 nghìn tỷ đồng. Trong số trái phiếu đáo hạn này, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS là 21,4 nghìn tỷ đồng, nhưng tới 99,6% có tài sản bảo đảm; các TCTD chỉ có 15,6 nghìn tỷ đồng, doanh nghiệp sản xuất 10,6 nghìn tỷ đồng. Sang năm 2023, giá trị trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp BĐS là 119,1 nghìn tỷ đồng, các TCTD là 57,5 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Thị trường TPDN vẫn là thị trường tiềm năng, nhu cầu vốn của doanh nghiệp để phát triển sản xuất-kinh doanh thời gian tới rất lớn. Chính phủ nhất quán quan điểm tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch.

Do đó, trước hết, để ổn định và phát triển, điều kiện tiên quyết là các chủ thể tham gia thị trường TPDN phải tuân thủ quy định pháp luật, nhất là về các quy định để chọn lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế nhà đầu tư nhỏ lẻ không đủ năng lực tham gia thị trường.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu công bố minh bạch thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Trước mắt, để bảo đảm ổn định thanh khoản thị trường, Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành triển khai các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường TPDN. Một trong các giải pháp cần làm tốt hơn nữa chính là tiếp tục truyền thông với các thông tin chính thống để ổn định tâm lý xã hội và thị trường, tạo dựng lại niềm tin của nhà đầu tư.

Theo đó, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ TPDN không phải tiền gửi ngân hàng, việc phát hành, đầu tư TPDN theo nguyên tắc tự vay, tự trả. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi thông tin sai sự thật, tung tin đồn thất thiệt gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm bảo đảm cam kết với nhà đầu tư và chủ động đàm phán với nhà đầu tư về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trong trường hợp khó khăn.

Nhà nước nghiên cứu, hình thành khung pháp lý điều chỉnh để các bên kinh doanh và được bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp. Riêng đối với TPDN trong lĩnh vực BĐS, Bộ trưởng Tài chính đề nghị: Cần tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động thị trường BĐS và việc huy động vốn của các doanh nghiệp BĐS, tiếp tục có giải pháp nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho thị trường quan trọng này.

Bên cạnh việc điều hành bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đánh giá lại hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp nhu cầu của nền kinh tế; bảo đảm cân đối giữa tăng trưởng và mặt bằng lạm phát, đặc biệt là cần xem xét việc tăng hạn mức tín dụng cho lĩnh vực BĐS có chọn lọc đối với người mua nhà và doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

Ngoài ra, để bảo đảm thanh khoản thị trường, cung ứng vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát hành cũng kiến nghị các địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án BĐS trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện. Có như vậy, doanh nghiệp BĐS, xây dựng mới đủ điều kiện triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường, tháo gỡ nút thắt, giải phóng sản phẩm, khơi thông dòng tiền...

Thanh Hà