Huyện Dầu Tiếng, Bình Dương: phát triển kinh tế toàn diện các khu, cụm công nghiệp

22:50 08/10/2021

Sáng 8/10/2021, huyện Dầu Tiếng đã tổ chức cuộc họp bàn về quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2030.

Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện sở ngành tỉnh Bình Dương đề nghị huyện Dầu Tiếng nghiên cứu, đánh giá tổng quan tính khả thi phát triển công nghiệp. 

Mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện của địa phương sẽ ủng hộ việc quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp như định hướng của huyện
Mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện của địa phương sẽ ủng hộ việc quy hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp như định hướng của huyện. (Ảnh: Báo Bình Dương) 

Xác định rõ quỹ đất quy hoạch khu, cụm công nghiệp phù hợp với nhu cầu và năng lực phát triển thực tế của địa phương. Ngoài ra, địa phương cần cân nhắc các yếu tố quyết định như: cơ sở hạ tầng lưu thông hàng hóa, phương pháp thu hút nhà đầu tư và người lao động... Có phương án ưu tiên thu hút các mô hình kinh tế bền vững, kết hợp với gìn giữ, bảo vệ môi trường sống.

Tuy nhiên, để việc quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp được đồng bộ và hiệu quả, huyện cần xác định yếu tố đi đầu là quy hoạch xây dựng đô thị, cơ sở hạ tầng kết nối giao thông nội vùng và liên vùng. Ngoài ra, địa phương cũng cần có kế hoạch quy hoạch, phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp...

Ngoài 2 cụm công nghiệp Thanh An, An Lập đã được định hình, huyện Dầu Tiếng đang quy hoạch thêm 7 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 525ha, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, thúc đẩy địa phương phát triển. Riêng,cụm công nghiệp Thanh An đang hoạt động, thời gian tới huyện Dầu Tiếng sẽ xin chủ trương của tỉnh quy hoạch phát triển thêm 8 khu công nghiệp với tổng diện tích ước khoảng 7.057ha và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích tăng thêm ước 864,94ha. 

Huyện Dầu Tiếng hiện có 447 doanh nghiệp  đang hoạt động ổn định
Huyện Dầu Tiếng hiện có 447 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. (Ảnh: Báo Bình Dương) 

Trong đó, có 64 doanh nghiệp sản xuất, với ngành nghề hoạt động chủ yếu là chế biến gỗ, chế biến mủ cao su, sản xuất gốm sứ mỹ nghệ, gạch tuynel...; 16 doanh nghiệp về xây dựng, 7 doanh nghiệp về giao thông vận tải, 360 doanh nghiệp về thương mại dịch vụ. Các doanh nghiệp hoạt động đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 13.000 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân 68 triệu đồng/người/năm.

Được biết, huyện đã thu hút được 53 doanh nghiệp đầu tư với số vốn đăng ký hàng trăm tỷ đồng, bước đầu có những đơn vị đầu tư lĩnh vực chế biến nông sản, gia cầm với dây chuyền sản xuất hiện đại, phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Địa phương đang tiếp tục thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp tập trung, ưu các dự án nằm trong danh mục ngành nghề được khuyến khích, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng.

Hoàng Thu