Theo HSBC, tầng lớp trung lưu châu Á đang ưu tiên ổn định tài chính. |
Khảo sát Chất lượng cuộc sống mới nhất của HSBC cho thấy, tầng lớp trung lưu châu Á đang ưu tiên ổn định tài chính và nhu cầu bảo vệ trong tâm thế lo lắng về chi phí sinh hoạt và các yếu tố liên quan đến sức khỏe.
Khảo sát có sự tham gia của hơn 11.000 người thuộc tầng lớp trung lưu, tại 11 thị trường trên thế giới. Theo đó, 68% người tham gia khảo sát bày tỏ mối lo toàn cầu về chi phí sinh hoạt gia tăng ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống của họ, và tác động của lạm phát đối với tiền tiết kiệm (61%) có thể ảnh hưởng đến các kế hoạch trong cuộc sống.
Tuy nhiên, riêng tại châu Á, những người tham gia khảo sát chú trọng nhiều đến các rủi ro liên quan đến sức khỏe, bao gồm chi phí y tế gia tăng (54%) và tác động của những vấn đề về sức khỏe thể chất (60%) lẫn tinh thần (44%).
Những mối lo này được phản ánh trong các ưu tiên về tài chính của tầng lớp trung lưu châu Á. Cũng giống như tầng lớp trung lưu ở những nơi khác, nhóm tham gia khảo sát ở châu Á coi "tích lũy tài sản để ổn định tài chính" (46%) và "lập kế hoạch nghỉ hưu" (43%) là hai mục tiêu tài chính hàng đầu, theo sát sau đó là "có bảo hiểm đủ để bảo vệ" (41%).
Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy những khoảng trống trong việc lập kế hoạch. Ở châu Á, cứ 4 người thuộc thế hệ Gen X (sinh ra trong khoảng thời gian 1965-1980) lại có 1 người chưa có đủ bảo hiểm sức khỏe, tỷ lệ này ở Gen Z (1997-2012) và Millennials (1980-1997) là 1/5.
Đáng chú ý, có tới 42% người thuộc tầng lớp trung lưu ở châu Á đang cảm thấy không sẵn sàng để nghỉ hưu. Trong đó, nhóm này ở Hong Kong (47%), Trung Quốc đại lục (55%) và Đài Loan (51%) cảm thấy ít sẵn sàng hơn so với các thị trường khác.
So với các thế hệ khác, nhóm Gen X ít khả năng có một kế hoạch nghỉ hưu toàn diện, còn đối với nhóm Baby Boomers (1959-1980) thì 3/10 người vẫn chưa đạt được mục tiêu tiết kiệm và hơn 1/4 chưa có kế hoạch trong tay.
Tích lũy tài sản là một trong những ưu tiên hàng đầu của tầng lớp trung lưu trên toàn cầu. Tuy nhiên, khảo sát của HSBC cho thấy một sự bất cân bằng trong danh mục đầu tư của nhóm này. Mặc dù họ đã phân bổ gần 32% danh mục đầu tư vào tiền mặt, nhiều người trong số đó có ý định đầu tư mạnh hơn trong thời gian tới, với mức dự kiến lên đến 54%.
Một điểm đáng chú ý là thế hệ Gen Z và Millennials có xu hướng bắt đầu đầu tư sớm hơn so với thế hệ Baby Boomers, với chênh lệch lên đến một thập kỷ. Nhóm này cũng có tỉ lệ thu nhập đem đi đầu tư cao hơn (27%) và theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, nhiều người trung lưu ở các trung tâm quản lý tài sản lớn như Mỹ và Trung Quốc đại lục đang có kế hoạch đầu tư ra nước ngoài, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận và bảo vệ tài sản trước biến động của thị trường nội địa.
Mặc dù phần lớn tầng lớp trung lưu nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc lập kế hoạch kế thừa, thực tế lại cho thấy có một khoảng cách lớn giữa ý định và hành động. Chỉ có 3 trong 10 người ở châu Á đã lập di chúc hoặc lên kế hoạch kế thừa, mặc dù có tới 79% cho rằng điều này là cần thiết. Đặc biệt, tại Malaysia, tỉ lệ người lập kế hoạch kế thừa đạt 47%, cao hơn so với nhiều khu vực khác trên thế giới.
Điều này phản ánh một thực tế rằng, nhiều người vẫn còn do dự trong việc hành động, đặc biệt là thế hệ Baby Boomers, khi mà một phần ba số người thuộc thế hệ này thừa nhận cần bắt đầu kế hoạch kế thừa nhưng vẫn chưa thực sự thực hiện.
Dữ liệu từ khảo sát cũng cho thấy, những người có kế hoạch tài chính toàn diện thường có mức độ hài lòng với cuộc sống cao hơn, với tỉ lệ lên đến 90%. Điều này càng khẳng định rằng, việc tích hợp các mục tiêu tài chính, bảo vệ và kế thừa là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc và an toàn. Trong bối cảnh chi phí và lo ngại về sức khỏe ngày càng gia tăng, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tài chính là chìa khóa giúp người trung lưu châu Á đối mặt với tương lai một cách tự tin hơn.
Nhận định về kết quả khảo sát, bà Kai Zhang, Giám đốc Điều hành và Giám đốc Khối Dịch vụ Quản lý tài sản và Tài chính cá nhân khu vực Nam và Đông Nam Á, HSBC, cho biết, những thông tin này nhấn mạnh mối tương quan giữa thách thức về tài chính và sức khỏe. Điều này càng cho thấy chúng ta cần có hướng tiếp cận tích hợp trong quản lý tài sản và sức khỏe.