Thái Nguyên: Gần 12.000 doanh nghiệp hoạt động trong kỷ nguyên số Thái Nguyên: Nỗ lực ổn định sau khi sáp nhập với tỉnh Bắc Kạn |
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều biến động, ngành Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên đã ghi nhận những tín hiệu tích cực đáng khích lệ. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2025, góp phần vào kết quả khả quan của 6 tháng đầu năm, tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể của tỉnh.
Để duy trì đà tăng trưởng và thu hút đầu tư, Thái Nguyên đã và đang bám sát quy hoạch phát triển khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở Công Thương phối hợp với Sở Xây dựng và Ban Quản lý các KCN tỉnh đã và đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch chung xây dựng KCN - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên đến năm 2045. Đồng thời, công tác trình thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu tái định cư Tân Tiến phục vụ giải phóng mặt bằng KCN Sông Công II cũng được đẩy nhanh.
![]() |
Thái Nguyên: Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực trong nửa năm |
Đối với các KCN khác, Sở Công Thương cũng đang lập đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu xây dựng KCN Thanh Bình giai đoạn II. KCN Chợ Mới 1 đang được Ban Quản lý các KCN tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập đồ án quy hoạch. Các KCN Chợ Mới 2 và Chợ Mới 3 đã hoàn thành phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và đang triển khai các bước tiếp theo, trong khi KCN Chợ Mới 4 đang được lập đồ án, dự kiến sớm trình phê duyệt.
Riêng trong 6 tháng đầu năm, Sở Công Thương đã thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập và mở rộng 4 cụm công nghiệp (CCN) quan trọng: CCN Minh Đức 1 (67,37ha, vốn đăng ký đầu tư 992,84 tỷ đồng); CCN Lương Sơn 2 (68ha, trên 1.140 tỷ đồng); hồ sơ đề nghị mở rộng CCN Bảo Lý - Xuân Phương (46,84ha, trên 673 tỷ đồng); và CCN Cầu Bình (34,68ha, trên 447 tỷ đồng). Đối với các xã phía Bắc của tỉnh sau sáp nhập, cơ quan chức năng cũng đã tham mưu UBND tỉnh thành lập 5 CCN mới: CCN Cẩm Giàng, CCN Huyền Tụng 2, CCN Tân Tú, CCN Bình Trung, và CCN Quảng Chu 1 với tổng diện tích 166,5ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 1.513,7 tỷ đồng.
Song song với việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, các sở, ngành và địa phương của tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư để đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, nhằm khởi công các dự án theo đúng tiến độ đề ra. Điển hình là sự kiện động thổ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Bình 3. Dự án này, với quy mô trên 295,34ha và tổng vốn đầu tư hơn 4.139 tỷ đồng, đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ ngày 8/1/2025.
Về giá trị sản xuất công nghiệp, dù chưa đạt như kỳ vọng tuyệt đối, song vẫn duy trì đà tăng trưởng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính 6 tháng đầu năm đạt 443,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực công nghiệp địa phương ước đạt 20,8 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và đạt 41% kế hoạch năm. Khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là động lực chính, ước đạt 410,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tăng 4,4% so với cùng kỳ. Khu vực nhà nước Trung ương ước đạt 12,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 15,3 tỷ USD, tăng 0,2% và bằng 50,3% kế hoạch năm. Đối với khu vực Bắc Kạn (cũ) sau sáp nhập, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 1.050 tỷ đồng, tăng 17,85% so với cùng kỳ và đạt 46,13% kế hoạch năm. Tổng giá trị xuất, nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 25 triệu USD, tăng 16,28% và đạt 55,5% kế hoạch năm.