![]() |
Thành phố Hà Nội đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm hiện thực hóa lộ trình cấm xe máy sử dụng động cơ xăng trong khu vực vành đai 1, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2026. Đồng thời, hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi sang sử dụng xe điện cũng đang được xây dựng và hoàn thiện, nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ và hợp lòng dân.
Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, khoảng 450.000 xe máy xăng hiện đang hoạt động trong khu vực vành đai 1 sẽ nằm trong diện cần chuyển đổi. Không chỉ dừng ở đó, các phương tiện cơ giới từ bên ngoài khi muốn đi vào khu vực này cũng sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng năng lượng sạch, chủ yếu là xe điện.
![]() |
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn khẳng định, đây là một bước đi quan trọng nhằm thực hiện Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường đô thị.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, UBND TP Hà Nội đang xây dựng các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, trình Thành ủy và HĐND TP xem xét thông qua. Dự kiến, các chính sách bao gồm: Thiết lập cơ chế thu đổi xe máy xăng sang xe điện; Hỗ trợ 100% lệ phí đăng ký và lệ phí trước bạ cho xe điện mới; Áp dụng chỉ tiêu cụ thể theo từng đối tượng và loại phương tiện, bảo đảm hỗ trợ đúng người dân sinh sống trong khu vực vành đai 1.
Cùng với việc chuyển đổi phương tiện cá nhân, thành phố cũng đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông xanh. Một số giải pháp đáng chú ý bao gồm: Bổ sung các tuyến buýt điện nhỏ (8–12 chỗ) làm phương tiện trung chuyển; Nghiên cứu triển khai xe vận tải điện loại nhỏ (4 chỗ) hoạt động trong nội đô; Mở rộng hệ thống giao thông công cộng đa phương thức: xe buýt nhanh, taxi điện, và tuyến đường sắt đô thị;
Tại cuộc họp với 126 xã, phường về tăng cường chất lượng vệ sinh môi trường trong chiều 14/7, về vấn đề vùng phát thải thấp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh: “Không thể vì lợi ích của một số người mà ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của hàng triệu người dân”. Ông đặt vấn đề: “Một người chạy xe cũ, xả khói đen để tiết kiệm một đồng, nhưng khiến hàng nghìn người khác phải chịu ảnh hưởng sức khỏe và chi phí điều trị – thì ai thực sự được lợi?”
Trước đó, ngày 14/7, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3763 về việc thành lập tổ công tác liên ngành, có nhiệm vụ tham mưu triển khai lộ trình chuyển đổi phương tiện xanh và phát triển hạ tầng sạc điện. Quyết định này được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị.