Ngày 24/7, bộ phận nghiên cứu toàn cầu HSBC đã phát hành báo cáo “Vietnam at a glance - Lấy lại hào quang” và nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,5% do triển vọng kinh tế tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024.
Các chuyên gia của HSBC đánh giá rằng, Việt Nam khép lại quý 2/2024 với một bất ngờ lớn khi tăng trưởng GDP đạt 6,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa kỳ vọng của thị trường là 6%. Sự phục hồi này không chỉ thể hiện qua các chỉ số chính mà còn lan rộng ra các lĩnh vực khác.
Lĩnh vực sản xuất ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng nhất, đạt mức 10% so với cùng kỳ năm trước, cùng với tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ của quý 2 đạt 15%. Sự phục hồi không đồng đều trong lĩnh vực thương mại, chủ yếu được dẫn dắt bởi mảng điện tử, nhưng các ngành hàng khác như dệt may và da giày cũng bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, chứng kiến mức tăng trưởng hai con số trong quý 2.
Tâm lý của các nhà sản xuất cũng cải thiện rõ rệt với chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 tăng mạnh lên 54,7, mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới tăng cao hơn so với những tháng gần đây, tạo nên triển vọng tích cực cho lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam.
HSBC cũng nhận định rằng, mặc dù thương mại ngắn hạn bắt đầu cất cánh, triển vọng FDI dài hạn vẫn là một điểm sáng. Dù giảm so với đỉnh của năm 2017, FDI mới vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam. Lĩnh vực sản xuất chiếm phần lớn với vốn FDI đăng ký mới đạt gần 10 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2024, tương đương 4% GDP. Lĩnh vực bất động sản cũng nổi lên với tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình suy giảm năm ngoái.
Đầu tư từ các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, đang tăng lên. CapitaLand có kế hoạch đầu tư 110 triệu USD vào Việt Nam để hỗ trợ sự chuyển dịch trong các chuỗi cung ứng sản xuất. Một diễn biến quan trọng là dự thảo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình lên Chính phủ đề xuất thành lập một quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu 15% trong năm nay.
Dịch vụ liên quan đến du lịch tiếp tục duy trì đà tích cực với hơn 8,8 triệu lượt khách du lịch, vượt mức của năm 2019. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách trong năm 2024, đồng thời có kế hoạch mở rộng danh sách miễn thị thực.
Tăng trưởng doanh thu bán lẻ chưa lấy lại phong độ trước đại dịch, vẫn còn thiếu hụt khoảng 10% so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, sự phục hồi bên ngoài tiếp tục lan rộng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến lĩnh vực trong nước, đặc biệt trong quý 4/2024.
Chính phủ đã đưa ra các chính sách hỗ trợ kinh tế trong nước như kéo dài thời gian giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đến hết năm và giảm một số loại phí đối với một số ngành.
Lạm phát toàn phần trong tháng 6 tăng 0,2% so với tháng trước, khiến lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao là 4,3%. Dù giá dầu giảm nhưng giá thịt lợn tăng do dịch tả lợn châu Phi. HSBC dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ ở mức hơn 3% một chút, đưa lạm phát bình quân cả năm xuống 3,6%.
Chuyên gia HSBC cũng lưu ý cần theo dõi mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và mức độ lan tỏa của sự phục hồi này sang lĩnh vực trong nước.
P.V (t/h)