HSBC: Kinh tế Việt Nam tỏa sáng trong một năm đặc biệt

05:50 14/01/2021

Tại báo cáo Vietnam At a Glance, khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC cũng cho rằng, trong năm 2021 Việt nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của HSBC vừa gửi ra báo cáo "Vietnam at a glance – Tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt".

Mặc cho những khó khăn kéo dài, HSBC vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam. Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi. HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 7.6%. Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải. HSBC dự báo lạm phát toàn phần ở mức trung bình khoảng 3.3% vào năm 2021, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong năm 2021, có nhiều lý do để tin rằng đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục. Về mặt đối ngoại, thương mại của Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2020, bao gồm cả EVFTA, RCEP và UKVFTA. Mức thuế thấp hơn và khả năng tiếp cận các thị trường chính rộng mở hơn sẽ mang lại lợi thế so sánh cho các nhà xuất khẩu Việt Nam và giúp đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của họ, trong khi dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục vì Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn.

Ngay tháng này, Việt Nam sẽ bắt đầu năm 2021 bằng một sự kiện chính trị quan trọng. Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam dự kiến ​​diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021. Đại hội Toàn quốc được tổ chức năm năm một lần sẽ chọn ra ban lãnh đạo mới của đất nước và đặt ra các mục tiêu kinh tế-xã hội cho 5 đến 10 năm tới. Bất kể kết quả của cuộc cải tổ lãnh đạo như thế nào, chính sách kinh tế vẫn được kỳ vọng sẽ nhất quán và không có nhiều khả năng thay đổi đáng kể. 

Về đối nội, HSBC tin rằng phát triển cơ sở hạ tầng sẽ vẫn là một vấn đề then chốt. Quả thực, đây là một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong Nghị quyết số 1 của Chính phủ năm 2021 (nguồnVietnam News, ngày 4/1/2021). Quay trở lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020, cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông và năng lượng. Trong đó đề cập rõ ràng đến việc xây dựng ba dự án trọng điểm quốc gia là đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam và sân bay quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, một số dự án đang triển khai chậm trễ. Vào năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được mong đợi từ lâu đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến các nhà đầu tư tư nhân và khuyến khích họ tham gia vào các dự án lớn.

Nhìn lại 2020, ngân hàng này khẳng định, nhờ những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, "Việt Nam là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới trong năm qua".

Tăng trưởng GDP quý IV phục hồi mạnh hơn dự kiến, đạt 4,5%, đưa tăng trưởng cả năm 2020 lên 2,91%, cao hơn dự báo 2,6% trước đây của HSBC. Quý IV/2020, hoạt động sản xuất đã quay lại phong độ trước dịch, khi tăng 8% so với cùng kỳ 2019.

Xuất khẩu của Việt Nam vượt trội so với các nước trong khu vực khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 6,5%. Nhưng đây là một bức tranh pha trộn. Trên thực tế, xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như dệt may và da giày, giảm 10%. Trong khi, xuất khẩu thiết bị máy móc, hàng điện tử và gỗ tăng cao.

Bên cạnh sản xuất, mảng dịch vụ cũng tăng trưởng. Doanh số bán lẻ đang trên đà phục hồi vững chắc. Mặc dù giảm mạnh so với tốc độ tăng 12% của năm trước, doanh số bán lẻ vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 2% vào năm 2020. Tiêu dùng tư nhân tăng nhẹ 0,6%, trong khi hầu hết các nước trong khu vực đều giảm.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tiêu dùng trong nước thoát khỏi tình trạng khó khăn. Chi tiêu cho dịch vụ ngày càng giảm sút so với chi tiêu hàng hóa, còn thị trường lao động yếu kém vẫn là lực cản để thúc đẩy niềm tin người tiêu dùng.

Trong khi đó, tình trạng khó khăn về du lịch có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Lượng khách du lịch chỉ còn 3,8 triệu lượt người trong năm 2020, giảm gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái, ước tính chỉ đóng góp cho GDP hơn 1%. HSBC cho rằng, mặc dù vaccine mang lại một số hy vọng, nhưng sẽ cần thời gian để tiêm chủng cho toàn bộ dân số.

Lyly