Chủ nhật 22/12/2024 01:28
Hotline: 024.355.63.010
Email: banbientap.dnhn@gmail.com
Bất động sản

“Hợp tác sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam là sự tiếp nối quan hệ lịch sử lâu đời"

06/08/2024 16:31
Đây cũng là nhận định của TS. Majo George, một giảng viên người Ấn Độ đang giảng dạy tại Đại học RMIT Việt Nam khi nhìn nhận ý nghĩa từ chuyến thăm cấp nhà nước mới đây của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Ấn Độ .

Chất xúc tác đưa quan hệ Việt Nam-Ấn Độ vào giai đoạn mới

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ từ ngày 30-7 đến ngày 1-8. Chuyến thăm đã diễn ra thành công tốt đẹp trên mọi phương diện, góp phần khơi dậy và phát huy những giá trị lịch sử, trầm tích trong quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vốn có từ nghìn năm và đang được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp; mở ra trang mới trong Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước đến Ấn Độ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, TS. Majo George, người Ấn Độ, giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam cho rằng: “Chuyến thăm đã đánh dấu thời điểm quan trọng trong việc tăng cường quan hệ Việt Nam - Ấn Độ. Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm Ấn Độ quan tâm đầu tư vào Việt Nam ở mức cao nhất, nêu bật sự tin cậy chính trị mạnh mẽ và tình hữu nghị lâu dài giữa hai nước.

Được xây dựng dựa trên nhiều năm tôn trọng lẫn nhau và chia sẻ lợi ích chiến lược, theo TS. Majo George, chuyến thăm đóng vai trò là nền tảng then chốt để củng cố Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ý nghĩa của chuyến thăm nằm ở tiềm năng mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm quốc phòng, thương mại, công nghệ, sản xuất, quản lý cảng biển và sân bay cũng như trao đổi văn hóa.

Theo thông tin mới nhất, trong chuyến thăm của Thủ tướng, các tập đoàn Ấn Độ đã bày sự quan tâm đến Việt Nam và lên kế hoạch đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Những dự án này đánh dấu bước tiến quan trọng trong mối quan hệ kinh tế và chiến lược ngày càng khăng khít giữa hai quốc gia.

Đáng chú ý, Gautam Adani, một trong những tỉ phú có ảnh hưởng nhất Ấn Độ, đã công bố dự định đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ xây dựng cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.

Cảng này sẽ không chỉ góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải của Việt Nam mà còn đóng vai trò là nút quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu chiến lược của Việt Nam là trở thành trung tâm logistics ở Đông Nam Á.

Ngoài việc phát triển cảng, Tập đoàn Adani còn bày tỏ quan tâm đến việc tham gia vào giai đoạn 2 của sân bay quốc tế Long Thành và mở rộng sân bay Chu Lai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani (Ảnh: Đoàn Bắc).
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Gautam Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani (Ảnh: Dân trí)

Trong một diễn biến đầy hứa hẹn khác, BDR Pharmaceuticals, tập đoàn dược phẩm hàng đầu Ấn Độ, đặt mục tiêu thành lập cơ sở sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Việt Nam.

Những thông báo về khoản đầu tư đáng kể của các công ty lớn của Ấn Độ vào Việt Nam thể hiện sự tin tưởng vào tiềm năng thị trường của đất nước và có khả năng khuyến khích sự quan tâm hơn nữa của ngành công nghiệp.

“Hợp tác ngày càng sâu rộng giữa Ấn Độ và Việt Nam không phải là một hiện tượng mới mà là sự tiếp nối quan hệ lịch sử lâu đời. Hai nước luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và có chủ trương xây dựng mối quan hệ chính trị, kinh tế và quốc phòng bền chặt. Trong bối cảnh Việt Nam đang tìm cách đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các lĩnh vực kinh tế truyền thống, chuyên môn và kinh nghiệm của doanh nghiệp Ấn Độ có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi này. Dòng vốn đầu tư và công nghệ của Ấn Độ sẽ không chỉ hỗ trợ cơ sở hạ tầng của Việt Nam mà còn mở đường cho việc chuyển giao kiến ​​thức, phát triển kỹ năng và đổi mới. Chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ củng cố quan hệ đối tác hiện có mà còn tạo tiền đề cho những nỗ lực hợp tác mới mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia”, TS. Majo George nhận định.

Doanh nghiệp Việt giải quyết thách thức để không vụt mất cơ hội

Chuyến thăm của Thủ tướng, ngoài việc giúp Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ Ấn Độ thì còn được đánh giá là động lực giúp các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội to lớn để tận dụng những khoản đầu tư hiện tại và tương lai từ Ấn Độ.

TS. Majo George, giảng viên cấp cao người Ấn Độ ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam
TS. Majo George, người Ấn Độ, giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics, Đại học RMIT Việt Nam.

Cũng theo TS. Majo George, dòng vốn đầu tư tiềm năng của Ấn Độ mang đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng ẩn chứa một số thách thức cần giải quyết. Các thách thức ấy bao gồm:

Thứ nhất là về bối cảnh cạnh tranh. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ cả các doanh nghiệp khác trong nước, lẫn các doanh nghiệp ASEAN và châu Phi đang mong muốn thu hút đầu tư Ấn Độ. Nếu muốn nổi bật, các doanh nghiệp Việt Nam phải đưa ra tuyên bố giá trị độc đáo hoặc thể hiện được hiệu quả vượt trội. Các doanh nghiệp Việt cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động, tiêu chuẩn chất lượng và dịch vụ khách hàng. Họ cũng cần đầu tư vào đổi mới và áp dụng các thông lệ tốt nhất để có thể tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh.

Thứ hai là yêu cầu về quy định và tuân thủ. Các nhà đầu tư Ấn Độ thường yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn và khung pháp lý nghiêm ngặt, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất và dược phẩm. Doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn, bỡ ngỡ khi đáp ứng những kỳ vọng này, đặc biệt nếu họ đã quen với các môi trường pháp lý khác. Do vậy, họ nên tập trung vào tìm hiểu và điều chỉnh theo các tiêu chuẩn quy định của quốc tế và Ấn Độ. Họ có thể tìm đến các chuyên gia về pháp lý và tuân thủ đễ hỗ trợ điều hướng các quy định phức tạp, đảm bảo hoạt động kinh doanh suôn sẻ.

Tiếp theo là rào cản về văn hóa và giao tiếp. Sự khác biệt trong văn hóa kinh doanh và phong cách giao tiếp có thể dẫn đến hiểu lầm và cản trở xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả. Để khắc phục, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực văn hóa và kỹ năng giao tiếp. Khi hiểu rõ tập quán kinh doanh và sắc thái văn hóa của Ấn Độ, họ có thể xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn với các đối tác Ấn Độ.

Thứ tư là sự thiếu hụt kiến thức thị trường. Hiểu biết về thực tiễn kinh doanh, động lực thị trường và hành vi của người tiêu dùng Ấn Độ là rất quan trọng. Việc thiếu hiểu biết về những khía cạnh này có thể khiến doanh nghiệp đưa ra chiến lược sai lệch và bỏ lỡ cơ hội. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần tiến hành nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng và thu thập hiểu biết sâu sắc từ các chuyên gia kinh doanh Ấn Độ để thu hẹp khoảng cách kiến ​​thức. Họ nên cân nhắc thành lập liên doanh hoặc hợp tác với các công ty Ấn Độ để hiểu sâu hơn về thị trường. Song song với đó, họ nên mở rộng mạng lưới kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ và tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm và diễn đàn kinh doanh để trau dồi hiểu biết và đẩy mạnh hợp tác.

Cuối cùng, không thể không nói đến hạn chế về cơ sở hạ tầng và công nghệ. Để thu hút đầu tư của Ấn Độ, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải nâng cấp cơ sở hạ tầng và năng lực công nghệ. Các đầu việc cần làm có thể gồm hiện đại hóa cơ sở vật chất, áp dụng công nghệ mới và nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng.

“Bằng cách chủ động giải quyết những thách thức trên thông qua các hành động chiến lược, doanh nghiệp Việt Nam có thể có vị thế tốt hơn để thu hút và hưởng lợi từ đầu tư của Ấn Độ, thúc đẩy mối quan hệ đối tác kinh tế hai bên cùng có lợi", TS. Majo George đề nghị.

Lĩnh vực nào có thể ưu tiên hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước?

Tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Theo nhìn nhận của TS. Majo George, các lĩnh vực tiềm năng cho doanh nghiệp Ấn Độ ở Việt Nam bao gồm năng lượng thay thế, sản xuất, nông nghiệp, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác quốc phòng

Cụ thể, về lĩnh vực năng lượng thay thế, các công ty Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam bằng cách đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng bền vững khác. Chuyên môn của Ấn Độ về các công nghệ này có thể hỗ trợ các mục tiêu bền vững và đa dạng hóa năng lượng của Việt Nam.

Về sản xuất, việc thành lập các cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho phép các doanh nghiệp Ấn Độ khai thác vị trí chiến lược và các hiệp định thương mại của Việt Nam, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường khu vực và năng lực công nghiệp.

Về nông nghiệp, đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam, tập trung vào các sản phẩm có nhu cầu cao như hạt tiêu, cà phê, chè, hạt điều, gạo và chăn nuôi gia súc, tôm, gia cầm, có thể nâng cao năng suất và chất lượng. Chuyên môn của Ấn Độ có thể giúp cải thiện thực hành nông nghiệp và quản lý chuỗi cung ứng.

Về thương mại, doanh nghiệp Ấn Độ có thể mở rộng hoạt động thương mại tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, dược phẩm, dệt may. Điều này sẽ phục vụ tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam và thị trường bán lẻ đang mở rộng.

Về phát triển cơ sở hạ tầng, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể hợp tác với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sắt, đường bộ và đường thủy. Những tiến bộ của Ấn Độ trong các lĩnh vực này có thể mang lại những hiểu biết sâu sắc và cơ hội hợp tác có giá trị. Việc xây dựng và quản lý cảng biển/sân bay cũng là lĩnh vực được quan tâm.

Về hợp tác quốc phòng, mối quan hệ đối tác quốc phòng mạnh mẽ hiện có có thể được tăng cường hơn nữa khi Việt Nam tìm kiếm kiến ​​thức chuyên môn của Ấn Độ về huấn luyện quân sự, mua sắm thiết bị quốc phòng và phát triển các sáng kiến ​​phòng thủ chung.

Tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trải rộng trên nhiều lĩnh vực
Tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ được kỳ vọng sẽ trải rộng trên nhiều lĩnh vực.

Ngược lại, từ phía các doanh nghiệp Việt Nam tại Ấn Độ, TS. Majo George cho rằng, các lĩnh vực tiềm năng cho họ bao gồm: ngành y tế, du lịch, công nghệ thông tin, nông nghiệp, công nghệ vụ trũ, hợp tác giáo dục.

Cụ thể, về ngành y tế, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Việt Nam có thể tận dụng chuyên môn của Ấn Độ về dược phẩm và công nghệ y tế với giá cả phải chăng để nâng cao dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam. Hợp tác giữa hai bên có thể giúp giảm chi phí và cải thiện khả năng tiếp cận các sản phẩm y tế chất lượng.

Về du lịch, các công ty du lịch Việt Nam có thể quảng bá Ấn Độ như một điểm đến du lịch giải trí, hành hương và y tế. Di sản văn hóa phong phú, các điểm tham quan đa dạng, cơ sở y tế tiên tiến (dành cho du lịch y tế), cũng như các địa điểm du lịch tôn giáo ở Ấn Độ có thể thu hút du khách Việt Nam.

Về công nghệ thông tin, lĩnh vực CNTT mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nổi tiếng thế giới của Ấn Độ. Qua đó, Việt Nam có thể đạt được thêm nhiều tiến bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, phát triển phần mềm và an toàn thông tin.

Về nông nghiệp, Việt Nam có thể hưởng lợi đáng kể từ công nghệ nông nghiệp tiên tiến của Ấn Độ. Hợp tác trong lĩnh vực này có thể cải thiện năng suất nông nghiệp, giới thiệu các kỹ thuật canh tác tiên tiến và nâng cao chất lượng năng suất cây trồng. Bằng cách tích hợp chuyên môn canh tác hiện đại của Ấn Độ, nông dân Việt Nam có thể đạt được hiệu quả và tính bền vững cao hơn.

Về công nghệ vũ trụ, Việt Nam cũng có thể tìm kiếm hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Năng lực của Ấn Độ trong phát triển vệ tinh, thám hiểm không gian và các công nghệ liên quan có thể giúp Việt Nam mở rộng năng lực công nghệ. Các sáng kiến chung có thể bao gồm phóng vệ tinh, nghiên cứu không gian và phát triển các ứng dụng trên không gian để liên lạc, dự báo thời tiết và giám sát môi trường.

Cuối cùng, về hợp tác giáo dục, các trường đại học và phổ thông của Việt Nam có thể thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục Ấn Độ để cung cấp nền giáo dục đại học tiêu chuẩn cao với chi phí hợp lý. Sự hợp tác này có thể bao gồm trao đổi học sinh, sinh viên và giảng viên, các chương trình nghiên cứu chung và chia sẻ tài nguyên giáo dục. Bằng cách tận dụng thế mạnh của Ấn Độ trong các lĩnh vực học thuật khác nhau, các cơ sở giáo dục Việt Nam có thể nâng cao chất lượng dịch vụ của mình và mang đến cho sinh viên cơ hội học tập rộng lớn hơn.

“Tận dụng những cơ hội này, Việt Nam và Ấn Độ có thể khai thác các thế mạnh mang tính chất bổ trợ lẫn nhau, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế bền vững. Quan hệ đối tác toàn diện này không chỉ nâng cao sự thịnh vượng của cả hai quốc gia mà còn góp phần ổn định và hợp tác khu vực, tạo nền tảng cho mối quan hệ lâu dài và cùng có lợi”, TS. Majo George nhận định.

Bảo Bảo

Tin bài khác
Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Quy hoạch mở rộng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị

Theo phương án điều chỉnh ranh giới, KKT Đông Nam Quảng Trị sẽ có tổng diện tích 26.092 ha, tăng 2.300 ha so với quy hoạch cũ.
Bộ Xây dựng: Yêu cầu quản lý chặt việc chuyển công năng công trình

Bộ Xây dựng: Yêu cầu quản lý chặt việc chuyển công năng công trình

Bộ Xây dựng yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát việc chuyển đổi công năng các công trình nhà ở và đảm bảo an toàn cháy nổ theo quy định pháp luật.
Lãi suất ngân hàng ngày 21/12/2024: Nhiều ngân hàng có lãi suất trên 7,4%

Lãi suất ngân hàng ngày 21/12/2024: Nhiều ngân hàng có lãi suất trên 7,4%

Lãi suất ngâng hàng ngày 21/12/2024, một số ngân hàng đưa ra lãi suất đặc biệt lên đến 9,5%, thu hút sự chú ý lớn từ khách hàng với những điều kiện đặc biệt.
Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất đến hết năm 2025

Hà Nội điều chỉnh bảng giá đất đến hết năm 2025

Việc gia hạn và điều chỉnh bảng giá đất lần này không chỉ bảo đảm tính minh bạch, công bằng mà còn là bước đệm quan trọng cho việc xây dựng bảng giá đất mới giai đoạn 2026-2030 của Hà Nội.
Bình Phước: Hướng tới phát triển quy mô khu công nghiệp đạt hơn 18.000 ha vào năm 2030

Bình Phước: Hướng tới phát triển quy mô khu công nghiệp đạt hơn 18.000 ha vào năm 2030

Theo Quyết định điều chỉnh quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng về phát triển công nghiệp trên địa bàn, với tổng quy mô các khu công nghiệp dự kiến đạt hơn 18.000 ha vào năm 2030.
Hà Nội: 9 mô hình quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè

Hà Nội: 9 mô hình quản lý, khai thác, sử dụng lòng đường, vỉa hè

Tổ soạn thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đề xuất 9 mô hình tùy theo khu vực, diện tích vỉa hè.
Các doanh nghiệp bất động sản đang

Các doanh nghiệp bất động sản đang ''sống nhờ'' hoạt động tài chính

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phụ thuộc vào hoạt động tài chính thay vì bán hàng. Điều này có thể dẫn tới rủi ro thanh khoản và chất lượng dự án.
Vì sao phân khúc bất động sản kho xưởng “đắt hàng”?

Vì sao phân khúc bất động sản kho xưởng “đắt hàng”?

Bất động sản kho xưởng đang trở thành phân khúc "hot" trên thị trường. Vì sao phân khúc này lại được săn đón mạnh mẽ trong những năm gần đây?
TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm

TP. Hồ Chí Minh: Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) và đường cao tốc TP. HCM - Mộc Bài, nhằm đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024.
Bộ Xây Dựng: Mục tiêu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội năm 2025

Bộ Xây Dựng: Mục tiêu hoàn thành 100.000 căn nhà ở xã hội năm 2025

Bộ Xây dựng đặt mục tiêu hoàn thành hơn 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, với các chỉ tiêu quan trọng nhằm cải thiện chất lượng sống và đô thị hóa tại Việt Nam.
Giải bài toán nhu cầu nhà ở từ cả ba phía

Giải bài toán nhu cầu nhà ở từ cả ba phía

Nhu cầu nhà ở tại các đô thị lớn vẫn là bài toán khó. Để giải quyết, cần sự phối hợp chặt chẽ từ chính phủ, doanh nghiệp và người dân, đồng thời khai thác các giải pháp tài chính hiệu quả.
Phát triển nhà ở xã hội bằng cách khai thác nguồn lực vốn tiềm tàng

Phát triển nhà ở xã hội bằng cách khai thác nguồn lực vốn tiềm tàng

Việt Nam có thể khai thác và sử dụng các nguồn vốn công và tư cho phát triển NOXH đang rất tiềm tàng trong xã hội bằng những thể chế và công cụ khai thác cụ thể.
Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước: Cơ hội phát triển mới cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ

Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước: Cơ hội phát triển mới cho địa phương và vùng Đông Nam Bộ

Ngày 14/12, tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã diễn ra với sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đại diện các tỉnh trong khu vực.
Bảng giá đất mới tác động thế nào đến bất động sản công nghiệp?

Bảng giá đất mới tác động thế nào đến bất động sản công nghiệp?

Bất động sản công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng bảng giá đất mới và chi phí thuê đất đang tạo thách thức lớn cho doanh nghiệp. Cần điều chỉnh hợp lý để duy trì đà phát triển.
Mô hình TOD sẽ là tương lai cho thị trường bất động sản Việt Nam

Mô hình TOD sẽ là tương lai cho thị trường bất động sản Việt Nam

Mô hình TOD đang trở thành hướng điều tương lai cho bất động sản Việt Nam, góp phần tối ưu hóa quy hoạch đô thị và gia tăng thanh khoản các dự án.