Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, vốn giải ngân đã đạt hơn 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện đều tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%. Đặc biệt, đầu tư mới không chỉ tăng về vốn đăng ký (10,76 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ) mà còn về số lượng dự án (1.816 dự án, tăng 11,6%) và quy mô vốn đầu tư (bình quân hơn 5,9 triệu USD/dự án so với mức 4,9 triệu USD/dự án trong cùng kỳ năm 2023).
Riêng trong tháng 7/2024, tổng lượng vốn đăng ký đạt hơn 2,8 tỷ USD, chiếm 15,6% tổng vốn đầu tư trong 7 tháng. Mặc dù số lượng dự án đăng ký điều chỉnh vốn giảm, tổng vốn đăng ký điều chỉnh đạt hơn 10,76 tỷ USD, cho thấy sự gia tăng đáng kể so với cùng kỳ.
Trong 7 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 12,65 tỷ USD, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 78% so với cùng kỳ. Ngành bán buôn bán lẻ và các hoạt động chuyên môn, khoa học - công nghệ theo sau.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2024, có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,52 tỷ USD, chiếm gần 36,2% tổng vốn đầu tư, tăng 79,1% so với năm trước. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ hai, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Về địa bàn, đầu tư nước ngoài đã lan tỏa đến 48 tỉnh, thành phố. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỷ USD, chiếm gần 17,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn ba lần so với cùng kỳ. Các tỉnh, thành phố khác như Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội và Hải Phòng cũng thu hút nhiều vốn đầu tư.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết: “Chúng tôi rất kỳ vọng vào việc Việt Nam phát triển bền vững với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vấn đề là làm sao để thu hút các dự án phát triển công nghệ và hấp thụ công nghệ cho các doanh nghiệp nội địa. Việt Nam có điều kiện thuận lợi nhờ các chương trình tài trợ từ các nước G7, trong đó có EU, để thúc đẩy nền kinh tế bền vững”.
Ông cũng lưu ý rằng, lợi thế từ 17 Hiệp định thương mại tự do đang tạo cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên, để dòng vốn này thực sự phát huy hiệu quả, Việt Nam cần cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.
P.V (t/h)