Hội thảo đóng góp ý kiến đề xuất chính sách luật cấp thoát nước

17:39 09/06/2023

Ngày 09/06, tại Quảng Ninh, Hội Cấp thoát nước Việt Nam tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến đề xuất chính sách luật cấp thoát nước, với mục tiêu hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ làm công cụ quản lý phát triển cấp nước, thoát nước.

Tham dự hội thảo có Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Tạ Quang Vinh; bà Nguyễn Bích Nguyệt, chuyên viên Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Paul Smith, chuyên gia về nước của Ngân hàng Thế giới; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đại diện các hội, hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước.

ông tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng phát biểu
Ông tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng phát biểu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng cho biết: “Về thực tiễn có hơn 750 nhà máy cấp nước và khoảng hơn 80 nhà máy thoát nước cho 100 triệu dân, với tốc độ hoá và tốc độ phát triển dân số như vậy một số vùng hôm nay là nông thôn nhưng ngày mai là đô thị, tất cả những điều đó đều rất bất cập… vì vậy Chính phủ có chỉ đạo giao cho bộ Bộ Xây dựng xây dựng dự luật cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải. Trên cơ sở báo cáo của 63 tỉnh thành và chúng tôi đã nhận được 57 báo cáo, cũng như tổ chức các buổi toạ đàm để lấy ý kiến về khó khăn, vướng mắc về giá nước, quản lý nhà nước, xử lý nước thải, giá dịch vụ… Sau khi rà soát tất cả dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Hạ tầng đã đưa ra được 5 nhóm vấn đề để giải quyết tất cả những bất cập tồn tại từ trước tới giờ”.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, Trưởng phòng Cấp nước thuộc Cục Hạ tầng KT- Bộ Xây dựng, giá nước ban hành theo từng vùng, giá nước ở nông thôn vẫn chưa đáp ứng được chi phí vận hành, dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; doanh thu không bù lại được chi phí vận hành và chi phí đầu tư. Khó khăn do tỉ lệ đầu tư thấp, trước đây phụ thuộc vào ODA nhưng hiện tại cũng rất là yếu, quy hoạch giao thông đang vướng mắc và cấp thoát nước bám theo các tuyến giao thông, các dự án giao thông chưa quy hoạch hoặc đầu tư mà chúng ta đã đầu tư, sau đấy các tuyến giao thông khởi công phải đầu tư di rời.

Tại hội thảo, ông Paul Smith, chuyên gia về nước của Ngân hàng Thế giới phát biểu, các dịch vụ cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải là một đóng góp rất là quan trọng về sức khoẻ cộng đồng và đồng thời là yếu tố cơ bản để phát triển kinh tế bền vững. Ngân hàng Thế giới rất mong những ý kiến đóng góp của các đại biểu chuyên gia, để chúng tôi có thể hỗ trợ Bộ Xây dựng và giúp cho các doanh nghiệp xây dựng nguồn lực như các khoá học nâng cao khả năng và tiếp cận được các nguồn tài chính. Đây là khoá học giành cho các chuyên gia trong nghành nước, các thể chế tài chính thông qua học trực tuyến và nhận chứng chỉ sau khi hoàn thành khoá học.

Theo thông tin từ Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tăng từ 32% năm 1998 lên 92,5% năm 2022 sau hơn 20 năm thực hiện; tỷ lệ nước sạch đạt quy chuẩn của Bộ Y tế tăng từ 15% năm 1998 lên 54% năm 2022. Toàn quốc hiện có gần 18.000 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung đảm bảo cung cấp nước sạch cho 44% dân số nông thôn (tương đương khoảng 43 triệu người).

Tuy nhiên, qua tổng kết đánh giá thực hiện cho thấy tồn tại nhiều nguyên nhân, khó khăn, thách thức như: Sự quan tâm, vào cuộc của hệ thống chính trị ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn ngày càng giảm, nguồn lực huy động xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư còn hạn chế…

Do vậy, bà Nguyễn Bích Nguyệt, Chuyên viên Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn, Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Cần rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, miền núi. Hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ dân sinh sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, được tiếp cận, sử dụng nước sạch với chi phí hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Thiết lập hệ thống kiểm soát, cảnh báo chất lượng, trữ lượng nguồn nước sinh hoạt, kiểm soát ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt từ các hoạt động dân sinh, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

ông Nguyễn Văn Thiền, PCT Hội Cấp thoát nước VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE)
Ông Nguyễn Văn Thiền, PCT Hội Cấp thoát nước VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE).

Còn theo ông Nguyễn Văn Thiền, PCT Hội Cấp thoát nước VN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE): Thực tế hiện nay “vỉa hè” hay đúng hơn là “hành lang kỹ thuật” để bố trí các công trình tiện ích đô thị, xã hội được đi ngầm như công trình điện các loại, cây xanh… không được bố trí đủ nên về quy phạm, quy chuẩn xây dựng đều không thực hiện được và đang chồng chéo lên nhau. Vì vậy, có thể gây hoạ cho người đi đường như cây xanh đổ gây chết người vì cây được trồng trên các công trình ngầm. Ngoài ra, cây xanh còn tàn phá công trình ngầm khủng khiếp, thiệt hại rất lớn cho nghiều ngành mà chúng ta chưa thống kế được. Cho nên, nếu dự kiến trồng cây xanh xen đường thì đất giành cho cây phải thích hợp.

Nguyễn Cường