Hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử để tạo đà tăng trưởng bùng nổ của hoạt động thương mại điện tử Việt Nam

15:14 15/01/2021

Thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển nhanh tại Việt Nam bởi vậy cần hoàn thiện pháp luật TMĐT nhanh chóng, để các cá nhân, doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh lâu dài và an toàn.

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, TMĐT ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ
Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, TMĐT ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ. (Ảnh: Internet)

Bức tranh Thương mại điện tử Việt Nam

Cùng với xu thế phát triển công nghệ trên thế giới, TMĐT ở Việt Nam cũng đang từng bước hình thành và tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi thương mại điện tử (E-Commerce) vẫn đang chiếm ưu thế lớn tại Việt Nam thì Thương mại điện tử trên mạng xã hội (Social E-Commerce) lại đang dần phát triển và có khả năng cạnh tranh trên thị trường do tính chất phân mảnh của các ngành bán lẻ và dịch vụ. Social E-Commerce (S-Commerce) là khi doanh nghiệp sử dụng công cụ mạng xã hội để cá nhân hóa khách hàng tiềm năng và gia tăng trải nghiệm mua sắm của khách hàng. Hiểu đơn giản hơn thì đó là sự kết hợp giữa Social Media (Mạng xã hội) và E-Commerce (Thương mại điện tử).

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ lĩnh vực còn tương đối mới mẻ này, tuy nhiên, quá trình phát triển TMĐT ở Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn thảo.

Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT cho thấy, hiện nay, Việt Nam có hơn 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm qua. Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là DN cung cấp dịch vụ chuyển phát được 61% các đơn vị bán hàng trực tuyến thuê, tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ là 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, giao hàng nhanh và giao hàng tiết kiệm lần lượt là 5%, 1% và 1%. Các đơn vị chuyển phát khác chỉ chiếm 13%. Năm 2019 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số doanh nghiệp khởi nghiệp logistics như: Ninja Van, Ahamove, J&T Express, GrabExpress kết hợp với các sàn TMĐT khiến cho việc giao hàng được thực hiện nhanh chóng và nhận được phản hồi tích cực từ người mua hàng.

Dù phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường TMĐT cũng tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt. Chẳng hạn như đầu tháng 2/2020, Leflair đã thông báo tạm ngưng hoạt động tại Việt Nam. Trước đó năm trong năm 2019, thị trường đã chứng kiến sự “ra đi” của nhiều thương hiệu bán hàng trực tuyến như Robins.vn, Adayroi.vn (của Vingroup). Những cái tên khác như vuivui.com (của thegioididong), Cdiscount.vn (của Big C Việt Nam) đã đóng cửa vì hoạt động không hiệu quả. 

Dù phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường TMĐT cũng tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt
Dù phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường TMĐT cũng tạo ra một cuộc sàng lọc khắc nghiệt. (Ảnh: Internet)

Sau khi những thương hiệu này từ bỏ cuộc chơi, các trang TMĐT tổng hợp tại Việt Nam chỉ còn 4 cái tên đáng chú ý là Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Shopee.vn. Tuy nhiên, những cái tên này đều có sự chi phối từ các ông lớn nước ngoài. Trong đó, Alibaba sở hữu Lazada.vn, JD.com là cổ đông lớn của Tiki.vn, Tiki có vốn điều phối từ nhà đầu tư Trung Quốc...

Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng nước ngoài để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Các doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam còn chậm đầu tư và ít đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và chăm sóc khách hàng. Xét về mức độ uy tín, các nhà bán hàng trực tuyến trong nước còn yếu so với nhiều nhà bán hàng trực tuyến toàn cầu. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm quốc nội vẫn lép vế so với sản phẩm tương tự của nhiều nước khác.

Trong giai đoạn dịch COVID-19, tăng trưởng giao dịch của các sàn thương mại điện tử vẫn đạt kỷ lục ở mức hai con số. Với thị trường gần 100 triệu dân, mức tăng trưởng kinh tế-xã hội ổn định, thương mại điện tử Việt Nam được đánh giá đầy tiềm năng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” vào các sàn hàng tỷ USD đầu tư. Trong bối cảnh như vậy, không ngạc nhiên khi Dự thảo sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử được Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến lại thu hút sự quan tâm vô cùng lớn trong dư luận.

Thêm chính sách để quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội

Tại hội thảo “Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động để góp ý xây dựng dự thảo này. Nội dung của dự thảo bổ sung một số quy định về cơ chế quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài; trong đó, bao gồm điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài; đăng ký website bán hàng của thương nhân nước ngoài, của thương nhân nước ngoài bán hàng qua sàn thương mại điện tử Việt Nam...

Theo ý kiến các các doanh nghiệp, trên thực tế, văn bản dự thảo nghị định sửa đổi này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các sàn thương mại điện tử trong nước. Theo đó, các thương nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội; các doanh nghiệp logistics và các tổ chức, doanh nghiệp khác có hoạt động liên quan đến thương mại điện tử cũng đều chịu tác động, ông Tuấn nhấn mạnh.

Internet
Internet.

Về phía Bộ Công Thương, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, dự thảo nghị định sửa đổi sẽ tập trung vào 4 nhóm chính sách là thu gọn đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; minh bạch hóa thông tin hàng hóa và dịch vụ trong thương mại điện tử; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội và quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài.

Mục tiêu của dự thảo nghị định sửa đổi này là nhằm hoàn thiện khuông khổ pháp luật về thương mại điện tử, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, không để thương mại điện tử bị lợi dụng và trở thành phương thức thực hiện các hành vi mua bán, lưu thông hàng hóa vi phạm pháp luật khác.

Trong khi đó, bà Chu Thị Hoa – Phó viện Trưởng viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp) – nêu quan điểm: “Chủ trương chính sách của Nhà nước là đẩy mạnh phát triển kinh tế số nên việc siết chặt hơn quy định sửa đổi dường như chưa thực sự phù hợp thực tiễn. Bộ Công Thương nên thận trọng trong việc sửa đổi một số điểm Nghị định 52, đặc biệt trong các vấn đề có tác động sâu sắc đến Nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài và có nguy cơ gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp”.

Cũng chia sẻ quan điểm này, luật sư Yee Chung Seek (Đại diện Công ty Luật Baker & Mckenzie) đưa ra quan ngại về sự không rõ ràng trong khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ” theo Khoản 2b Điều 67c của Dự thảo. Ngoài ra, khái niệm “kiểm soát/chi phối” trong Khoản 3 Điều 67c của Dự thảo cũng chưa tương thích và có điểm trùng lặp với quy định trong Luật Cạnh tranh hiện hành".

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đánh giá việc tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài theo văn bản dự thảo nghị định dường như chưa có sự thông thoáng, nhiều giấy tờ có liên quan làm tăng thủ tục hành chính và gây khó khăn gấp nhiều lần cho doanh nghiệp. Điều này có thể gây ra tâm lý bất an cho nhà đầu tư nước ngoài khi hoạt động ở Việt Nam. Việc chấp nhận đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt trên cơ sở tham vấn ý kiến từ Bộ Công Thương. Do đó, nếu phải thêm một lần nữa xin lại ý kiến của Bộ Công Thương khi điều chỉnh đăng ký hoặc giấy phép hoạt động có thể kéo theo sự chồng chéo và gây xung đột về chức năng cấp phép đầu tư.

Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT sàn TMĐT Sendo)
Ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT sàn TMĐT Sendo).

 Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Sendo) nêu quan ngại đối với các quy định về điều kiện tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài theo góc nhìn của doanh nghiệp trong nước cần tiếp cận vốn để phát triển/duy trì hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường bán lẻ ở Việt Nam. Vì thương mại điện tử là lĩnh vực cần nhiều vốn để vận hành, các doanh nghiệp Việt Nam không có công ty mẹ tiềm lực tài chính mạnh sẽ không thể phát triển và cạnh tranh được ngay chính sân nhà của mình do khả năng tiếp cận vốn bị thu hẹp ở các nhà đầu tư “thuộc danh sách các công ty công nghệ uy tín toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử do Bộ Công Thương công bố định kỳ”.

Ngoài ra, quy định của Dự thảo vô hình chung cũng loại bỏ sự tham gia của nhóm các nhà đầu tư là quỹ đầu tư nước ngoài, vốn là một trong những đối tượng nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào và có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ cho các doanh nghiệp bản địa phát triển về chiến lược, vận hành, nhân sự...

Dự kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2021.

Gia An