Từ cuối năm 2019, thế giới chứng kiện đại dịch Covid-19 lây lan nhanh chóng tới 235 quốc gia, vùng lãnh thổ với trên 65 triệu ca nhiễm và đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,5 triệu người trên thế giới tính đến đầu tháng 12/2020. Để hạn chế sự lây lan, các quốc gia trong đó có Việt Nam buộc phải áp dụng các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, hạn chế các đường bay trong nước và quốc tế. Tác động kép từ sự lây lan dịch bệnh cùng các biện pháp phòng dịch đã tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn này Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn và khôi phục hoạt động.
Để góp phần thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ đã được ban hành và tăng cường năng lực tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, VCCI phối hợp cùng UNDP tổ chức Diễn đàn này. Diễn đàn với hai nhóm nội dung chính là: Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ đại dich Covid-19 đã được ban hành và thực tế triển khai các chính sách này; và Thảo luận về giải pháp tăng cường hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ tác động Covid-19.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, đại dịch COVID-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu từ cuối tháng 1/2020 đã tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến cuối tháng 3/2020, đã có khoảng 65,5% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, 34% doanh nghiệp phải cắt giảm lương nhân công lao động và 34,5% doanh nghiệp phải cho doanh nghiệp nghỉ việc không lương.
Ông Lộc nhấn mạnh, theo ước tính nếu dịch COVID-19 kéo dài đến hết năm 2020, sẽ có khoảng 39,3% doanh nghiệp phá sản. Tính đến cuối tháng 10/2020, hơn 70 nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể và ảnh hưởng tới hơn 31 triệu người lao động.
Theo ông Lộc, đây là lúc Chính phủ, các bộ, ngành địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp cần nhìn lại để thấy rõ hơn thực trạng tác động của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung và đối với từng ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nói riêng. Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi chính là cách để đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa thể chế pháp luật hiện hành; để có những chính sách hỗ trợ bám sát thực tiễn, đáp ứng đúng nguyện vọng và sự trông đợi của số đông doanh nghiệp.
Cũng tại dễn đàn bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh “Diễn đàn Chính sách hôm nay đã tập hợp chính phủ, doanh nghiệp và Liên hợp quốc lại để hiểu rõ hơn về cách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng phức tạp và khủng hoảng chồng nhau của COVID-19, lũ lụt và hạn hán chưa từng có. Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các chính sách và khuyến khích để thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ như một động lực trong việc xây dựng một nền kinh tế mạnh mẽ và chống chịu hơn.”
Diễn đàn với sự tham dự của đại diện các cơ quan nhà nước liên quan tới việc thực thi chính sách hỗ trợ và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã góp phần nhanh chóng nhận diện khó khăn thực tế của việc thực thi các chính sách đã được ban hành. Các bên sẽ cùng thảo luận đề ra các giải pháp phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Các kiến nghị tại diễn đàn sẽ được VCCI và UNDP tổng hợp và chuyển tới Chính phủ và các cơ quan nhà nước liên quan.
Gia Minh