Đề xuất tại Hội nghị giữa Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội về thương mại quốc tế, chiều ngày 7/4, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã đề xuất các giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp dệt may. Các giải pháp trọng tâm bao gồm đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, đảm bảo minh bạch nguồn gốc xuất xứ và đàm phán lại các điều khoản thương mại.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 16,6 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn, lên đến 38%. Tuy nhiên, việc Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu 46% sẽ tạo ra một cú sốc lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Mức thuế này được coi là quá cao, đặc biệt khi so với các quốc gia khác cùng xuất khẩu dệt may vào Mỹ. Ví dụ, Trung Quốc bị áp thuế 34%, Ấn Độ 26%, Bangladesh 37%, và Indonesia 32%. Việt Nam, mặc dù đã nâng cao thị phần xuất khẩu dệt may vào Mỹ từ 12,98% năm 2019 lên 15,07% năm 2024, nhưng với mức thuế cao như vậy, sẽ rất khó để duy trì đà tăng trưởng này.
“Về thuế suất 46% đối với Việt Nam mà Mỹ vừa công bố ngày 2/4, chúng tôi cho rằng, tác động tiêu cực của nó là quá lớn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng, nếu chính sách này được thực thi đúng thời hạn đã công bố. Đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp, đến giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh.
![]() |
Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trước việc Mỹ áp mức thuế nhập khẩu 46% đối với Việt Nam. |
Hiệp hội Dệt May Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực hành động quyết liệt, ngay lập tức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành để có thể trì hoãn, tạo điều kiện đối thoại, đàm phán theo hướng hợp lý, công bằng, đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có niềm tin sẽ vượt qua thách thức này, chung tay biến khó khăn thành cơ hội để tái cơ cấu phát triển bền vững.
Hiệp hội đề xuất, đối với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ cần hết sức tỉnh táo, tự tin, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau, với các nhà mua hàng cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích.
Đặc biệt là thực hiện đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng như thị trường Việt Nam đã ký FTA, thị trường Halal, Nam Mỹ…Tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với biến động và yêu cầu thị trường.
Đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề xuất Đại sứ các nước tiếp tục chia sẻ thông tin liên quan đến việc áp thuế của Mỹ đối với các nền kinh tế khác và động thái ứng phó của các nước.
Đồng thời, tìm hiểu và chia sẻ thông tin về thị trường nước sở tại, nhu cầu, thị hiếu, dung lượng… và khả năng hợp tác thương mại, đầu tư với dệt may Việt Nam. Kết nối giao thương nhiều hơn để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi, liên kết hợp tác.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, bên cạnh việc đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới công bố, đề nghị Nhà nước xúc tiến nhanh đàm phán FTA ASEAN - Canada hoặc có thể khởi động song phương FTA Việt Nam – Canada để có thể quy định xuất xứ 2 công đoạn mà dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong CPTPP mà hai nước là thành viên.
Cùng đó, rà soát ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất. Khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn.