Thúc đẩy doanh nghiệp dệt may hội nhập quốc tế
Hơn 24 năm hoạt động, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã từng bước khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp ngành Dệt may.
Gần đây, VITAS cùng Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam đã tham gia với Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022 phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2025 đạt 50 – 52 tỷ USD và năm 2030 đạt 68 – 70 tỷ USD.
Đặc biệt, để mở rộng hợp tác quốc tế và xúc tiến thương mại, VITAS đã tham gia tư vấn các Hiệp định quan trọng của Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Cụ thể như Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ (BTA), đàm phán tham gia tổ chức thương mại thế giới (WTO), đàm phán Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP (nay là CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Qua đó đã đưa được tiếng nói của doanh nghiệp vào bàn đàm phán nhằm đảm bảo lợi ích cho DN ngành Dệt may.
Hiện tại, VITAS đã là thành viên và tham gia tích cực các hoạt động của nhiều tổ chức quốc tế như: Hiệp hội các nước xuất khẩu Dệt may Thế giới (ICTB), Liên đoàn May mặc Thế giới (IAF), Liên đoàn May mặc châu Á (AAF), Liên đoàn Dệt may Đông Nam Á (AFTEX), Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF), Liên đoàn các nhà sản xuất dệt Quốc tế (ITMF), Liên minh may mặc bền vững (SAC).
VITAS đang hợp tác với các tổ chức quốc tế như: Hiệp hội Bông Hoa Kỳ (CCI), Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Hiệp hội Nhập khẩu hàng Dệt may Nhật Bản (JTIA), Hội đồng Dệt may Quốc gia Trung Quốc (CNTAC), Liên đoàn Công nghiệp Dệt Hàn Quốc (KOFOTI), Viện Công nghệ, Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Liên đoàn Dệt may Đài Loan (TTF)…
Thời gian qua, VITAS đã phối hợp tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo… nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và phương pháp để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường nhập khẩu. Mỗi năm VITAS tổ chức hàng chục đoàn xúc tiến thương mại tham gia các hội chợ, triển lãm dệt may ở nước ngoài. Phối hợp tổ chức nhiều hội chợ, triển lãm trong nước về sản phẩm thời trang, nguyên phụ liệu, thiết bị ngành Dệt may.
Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, VITAS đã tổng hợp ý kiến của hội viên, nghiên cứu, kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan liên quan giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc. Đơn cử như đề xuất, kiến nghị các chính sách tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp Dệt may. Nhất là những chính sách về thuế, phí chưa hợp lý tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, VITAS đã phối hợp với VCCI, các hiệp hội ngành hàng góp ý, đề xuất nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất thời kỳ dịch bệnh, góp ý sửa đổi một số luật, nghị định, thông tư tạo thuận lợi thương mại, giảm chi phí tuân thủ, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Qua thời gian hơn 24 năm hoạt động, VITAS đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác Hiệp hội. Theo đó, trước hết, Hiệp hội phải làm tốt vai trò tham gia, đề xuất xây dựng chiến lược phát triển. Phản biện, đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp. Có như vậy Hiệp hội mới làm chỗ dựa tin cậy cho doanh nghiệp hội viên.
Thứ hai, Hiệp hội phải làm tốt vai trò là đầu mối tổng hợp, phân tích và cung cấp thông tin về tình hình dệt may thế giới và trong nước để giúp doanh nghiệp định hướng hoạt động. Làm tốt vai trò kết nối hội viên, kết nối giao thương giữa DN và khách hàng.
Thứ ba, Hiệp hội phải tham gia là thành viên và hoạt động tích cực trong các tổ chức dệt may quốc tế, thể hiện vai trò là một trong các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Xây dựng hình ảnh dệt may Việt Nam trong mắt bạn bè, đồng nghiệp quốc tế.
Thứ tư, Hiệp hội cần tận dụng được vai trò là thành viên Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng để kiến nghị tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Làm tốt vai trò là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đảm bảo hài hòa lợi ích cho người sử dụng lao động và người lao động khi tăng lương tối thiểu.
Và cuối cùng, Hiệp hội phải quan tâm đúng mực đến lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Phải xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, xây dựng văn hóa doanh nhân, tạo sự gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Đề xuất mới cho "thời kỳ mới"
Ngày 11/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Đây là Nghị quyết có nhiều nội dung mới, đáp ứng sự mong đợi của giới doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Ý thức được không ít khó khăn còn tồn tại, để theo kịp những định hướng, chỉ đạo cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân thời kỳ mới, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị.
Trước hết, VITAS đề nghị Nhà nước sớm thông qua Luật về Hội và quy định các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội để phối hợp hoạt động, hình thành chuỗi cung ứng, hợp tác kinh doanh, giao lưu, học hỏi, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Nhà nước nghiên cứu ban hành Luật Hội riêng cho các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, sử dụng lực lượng lao động lớn và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước. Theo VITAS, việc ban hành một luật chung cho hàng trăm Hiệp hội, Hội gồm đủ các loại hình, lĩnh vực, quy mô là khó khả thi.
Đại diện VITAS cũng đề nghị Nhà nước cho phép Hiệp hội được trực tiếp tiếp cận vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho các dự án thúc đẩy hội nhập quốc tế, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu. Trước đó vào năm 2020 VITAS đã hợp tác với một tổ chức quốc tế xây dựng dự án “Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành Dệt may” với kinh phí 1,3 triệu EURO và đã được Chính phủ Đức phê duyệt. Tuy nhiên, theo Nghị định 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ khi đó vừa được ban hành, VITAS không được thực hiện trực tiếp nên phía đối tác đã chuyển nguồn vốn sang hợp tác với Hiệp hội của nước khác.
Thứ ba, VITAS đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương vào cuộc triển khai Quyết định 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 để hình thành các tổ hợp, các khu công nghiệp dệt nhuộm lớn tại một số địa phương có đủ điều kiện. Đặc biệt, chỉ thu hút các dự án đầu tư sợi, dệt nhuộm công nghệ cao, tuân thủ các tiêu chuẩn về lao động, môi trường. Bởi để nâng cao hiệu quả của hội nhập kinh tế, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng lợi thế thuế quan giảm dần theo lộ trình về 0% của các FTA, ngành Dệt may phải giải quyết được điểm nghẽn về sản xuất sợi chất lượng cao, vải, nhuộm hoàn tất. Thực tế, chuyển đổi “sản xuất xanh” chính là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp có thể nhanh chóng bắt nhịp lại cuộc đua xuất khẩu với những đối thủ cạnh tranh. Tuy vậy, việc “xanh hóa” là cả một quá trình và cần có thời gian để các doanh nghiệp hoàn thiện, đây là các công đoạn đòi hỏi vốn rất lớn cho đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực trình độ cao mà doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.
Tiếp đó, VITAS mong muốn Nhà nước bỏ quy định nộp VAT cho nguyên phụ liệu mua bán phục vụ xuất khẩu trong chuỗi cung ứng. Bởi VITAS cho rằng, việc hình thành các chuỗi cung ứng trong nước là rất quan trọng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng, sử dụng bán thành phẩm của nhau để sản xuất xuất khẩu phải nộp thuế VAT 10%, sau khi xuất khẩu xong mới làm thủ tục hoàn thuế. Việc này khiến các doanh nghiệp phải vay ngân hàng và chờ thủ tục hoàn thuế rất lâu, phiền phức. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp chỉ lựa chọn hình thức gia công thay vì phát triển sản xuất xuất khẩu.
Trong những tháng còn lại của năm 2023, các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đi cùng với chủ nghĩa bảo hộ vẫn sẽ gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Theo dự báo, thị trường dệt may và thời trang sẽ gặp nhiều khó khăn trong các tháng còn lại của năm 2023 với mức tăng trưởng doanh số dự báo tương đối chậm từ -2% đến 3% do bị thu hẹp tại thị trường châu Âu (dự kiến chỉ còn 1% đến 4%). Tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế…
Ngành Dệt may Việt Nam được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng cao. Các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa với sự tham gia của nhiều thương hiệu, doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, với những chỉ đạo mới từ Chính phủ và sự đồng hành của VITAS, cùng với đó là trí tuệ và tinh thần đoàn kết - quyết tâm của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp dệt may Việt Nam kỳ vọng rằng sẽ có sự phục hồi, bứt phá trong thời kỳ mới.
Hà Linh