Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, ước tính, tháng 5/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 55 nghìn tấn, trị giá 330 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 13,7% về trị giá so với tháng 4/2022, so với tháng 5/2021 tăng 3,2% về lượng và tăng 0,8% về trị giá.
Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam giảm 3,2% về lượng và 2,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, ước tính đạt 208 nghìn tấn, trị giá 1,24 tỷ USD.
Tháng 5/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 6.000 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng 4/2022, nhưng giảm 2,3% so với tháng 5/2021. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam ước đạt mức 5.968 USD/tấn, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Một trong những khó khăn lớn nhất của ngành điều hiện nay là phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ. Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho hay, tháng 4/2022, nhập khẩu hạt điều của nước này tăng mạnh, đạt 21,56 triệu USD, tăng 112,6% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều đạt 55,45 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, kim ngạch đạt 19,71 triệu USD trong tháng 4/2022, tăng 96,2% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt 45,57 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 96,52% trong 4 tháng đầu năm 2021 xuống 82,16% trong 4 tháng đầu năm 2022.
Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hạt điều từ Myanmar, tháng 4/2022, kim ngạch nhập khẩu đạt 1,72 triệu USD; lũy kế 4 tháng đầu năm nay đạt 7,99 triệu USD. Thị phần hạt điều của Myanmar chiếm 14,41% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm nay. Như vậy có thể thấy, ngành hạt điều Việt Nam đang chịu sự canh tranh khá gay gắt từ Myanmar tại thị trường Trung Quốc.
PV