Hãng điện tử Canon bước chân vào lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn

14:57 16/10/2023

Công ty Nhật Bản hiện đang áp dụng kiến ​​thức sâu rộng về công nghệ quang học và hình ảnh để dấn thân vào lĩnh vực chuyên môn cao về thiết bị sản xuất chip tiên tiến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Canon là hãng điện tử Nhật Bản nổi tiếng với máy in, máy ảnh và các sản phẩm hình ảnh khác được thiết kế cho cả người tiêu dùng và ngành công nghiệp nhiếp ảnh. Công ty Nhật Bản hiện đang áp dụng kiến ​​thức sâu rộng về công nghệ quang học và hình ảnh để dấn thân vào lĩnh vực chuyên môn cao về thiết bị sản xuất chip tiên tiến. Công ty mới đây vừa giới thiệu công cụ quan trọng để sản xuất chất bán dẫn hiện đại nhất thế giới.

Theo đó, cỗ máy gia công chip bằng kỹ thuật in thạch bản nano (NIL) của Canon được xem là công cụ có thể lật đổ sự độc quyền của ASML từ Hà Lan, công ty đang thống trị thị trường máy in thạch bản cực tím (EUV). Các máy của ASML dùng để sản xuất chip tối tân, sử dụng trong iPhone mới nhất.

Công nghệ EUV của ASML ngày càng phổ biến đối với các hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới vì vai trò của nó trong việc sản xuất chất bán dẫn từ 5nm trở xuống. Nm chỉ khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip, con số càng nhỏ, số lượng bóng bán dẫn càng nhiều, từ đó tăng sức mạnh của chip.

Canon cho biết máy in thạch bản nano FPA-1200NZ2C có thể sản xuất bán dẫn tương đương quy trình 5nm và thậm chí 2nm. Chip A17 Pro trong iPhone 15 Pro và Pro Max sản xuất trên quy trình 3nm.

FPA-1200NZ2C, một thiết bị “sản xuất chất bán dẫn in nano” được thiết kế đặc biệt để sản xuất vi mạch và các thành phần dựa trên chất bán dẫn khác bằng cách sử dụng các nút sản xuất mới nhất hiện có. Giải pháp sản xuất chip của Canon dường như mang lại khả năng tương tự cho các đối thủ cạnh tranh nhưng lại tiêu thụ điện năng thấp hơn đáng kể nhờ sử dụng công nghệ in nano.

Ngoài ra, thiết bị còn có hệ thống quản lý môi trường bên trong, giúp giảm tình trạng tạp chất tiếp xúc với bóng bán dẫn siêu nhỏ. Kết quả, sản phẩm chip đầu ra đồng đều về chất lượng và giảm tỷ lệ lỗi.

Theo Pranay Kotasthane, Phó giám đốc Viện Takshashila, kỹ thuật in thạch bản nano xuất hiện từ năm 2004 và được Canon nghiên cứu trong gần 20 năm. Ban đầu, NIL có hiệu năng thấp hơn nhiều so với EUV. Tuy nhiên, sau quá trình cải tiến, kỹ thuật chính thức được Canon ứng dụng để chế tạo chip với quy trình tiết kiệm chi phí, thân thiện môi trường, từ có có thể rút ngắn khoảng cách trong cuộc đua với ASML.

Các chuyên gia nhận định cỗ máy của Canon có thể tác động tới cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Thông qua quy định về xuất khẩu, Mỹ đang ngăn đối thủ tiếp cận thị trường chip và thiết bị bán dẫn quan trọng.

ASML hiện đang đóng vai trò gần như độc quyền trong ngành chip khi chiếm tới 80-85% thị phần máy quang khắc toàn cầu. Con số này thậm chí là 100% với máy quang khắc bằng tia cực tím. Vì vậy, sản phẩm của Canon được kỳ vọng tạo ra sự cạnh tranh, gián tiếp hạ giá chip và mang đến cơ hội cho nhiều nhà sản xuất bán dẫn khác.

Thu Trà (T/h)