Hàn Quốc tiếp tục siết chặt kiểm tra bột có thành phần trái nhàu đến từ Việt Nam

04:58 24/01/2021

Giai đoạn từ 24/12/2009-23/12/2020, sản phẩm dạng bột có thành phần trái nhàu từ 50% trở lên của Việt Nam bị Hàn Quốc áp dụng phương thức kiểm tra chặt về chỉ tiêu thôi nhiễm kim loại.

Chưa thoát vòng kiềm toả

Sản phẩm dạng bột có thành phần trái nhàu nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục bị cơ quan chức năng Hàn Quốc áp dụng biện pháp kiểm tra chặt trong năm 2021.

Thông tin này vừa được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phát đi thông báo. Nguyên nhân được xác định là do vi phạm liên tiếp về tiêu chuẩn trong quá trình kiểm tra chặt chẽ trước đó.

 

Sản phẩm bột có thành phần trái nhàu nhập khẩu từ Indonesia cũng bị cơ quan chức năng Hàn Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ

Sản phẩm bột có thành phần trái nhàu nhập khẩu từ Indonesia cũng bị cơ quan chức năng Hàn Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ. (Ảnh: minh hoạ) 

Cụ thể, đối tượng áp dụng là sản phẩm dạng bột có thành phần trái nhàu từ 50% trở lên. Chỉ tiêu kiểm tra: thôi nhiễm kim loại. Thời gian áp dụng phương thức kiểm tra mới đến ngày 23/12/2021.

Yêu cầu kiểm tra: Hồ sơ khai báo nhập khẩu sản phẩm vào Hàn Quốc phải có phiếu kiểm nghiệm từ một trong các đơn vị kiểm nghiệm được chỉ định bởi Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS).

Trước đó, trong giai đoạn từ 24/12/2009-23/12/2020, sản phẩm dạng bột có thành phần trái nhàu từ 50% trở lên của Việt Nam đã bị Hàn Quốc áp dụng phương thức kiểm tra chặt về chỉ tiêu thôi nhiễm kim loại. "Chung số phận" bị áp dụng quy định này là sản phẩm tương tự đến từ các quốc gia Ấn Độ, Indonesia, Peru và Mỹ.

Đến nay, ngoài Việt Nam, sản phẩm bột có thành phần trái nhàu nhập khẩu từ Indonesia cũng bị cơ quan chức năng Hàn Quốc tiếp tục áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ cho đến 23/12/2021.

Trong khi đó, sản phẩm cùng loại của Ấn Độ, Mỹ và Peru, đã không còn bị áp dụng quy định kiểm tra mới khi nhập khẩu vào Hàn Quốc.

Những lưu ý dành cho doanh nghiệp

Được biết, số lô hàng bị Hàn Quốc cảnh báo đã giảm mạnh từ hồi cuối năm 2020, nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 3 trong những nước có lô hàng thực phẩm bị cảnh báo ở Hàn Quốc về an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần thực hiện nghiêm chỉnh hơn nữa các quy định của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm
Doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần thực hiện nghiêm chỉnh hơn nữa các quy định của Hàn Quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm. (Ảnh: minh hoạ)

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết, báo cáo Xu hướng thực phẩm nhập khẩu năm 2019 và năm 2020 của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) thể hiện số vụ vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các lô hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc có xu hướng giảm. Cụ thể năm 2019 phát hiện 117 vụ, đến năm 2020 (đến ngày 21/12/2020) xuống còn 37 vụ.

Dấu hiệu tích cực này phần nào cho thấy những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong việc tuân thủ các quy định của nước sở tại đã phát huy hiệu quả tích cực.

Có thể kể đến một số vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm của Việt Nam như: Trong thành phần có hàm lượng gây hại vượt quá mức cho phép (aflatoxin, benz (a) pyrene, enrofloxacin, ciprofloxacin); vi phạm tiêu chuẩn sử dụng chất bảo quản; không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm tại nơi chế biến; phát hiện dị vật trong sản phẩm…

Theo quy định của Hàn Quốc (Luật đặc biệt về quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu), khi phát hiện sản phẩm thực phẩm nhập khẩu có chất gây hại thì cơ quan chức năng có quyền yêu cầu nhà nhập khẩu phải thu hồi, hủy toàn bộ lượng hàng đang phân phối. Trong vòng 01 tháng, nhà nhập khẩu phải trình phương án xử lý đối với thực phẩm nhập khẩu đã được xác định là không phù hợp/vi phạm.

Trường hợp nhà nhập khẩu muốn tiếp tục nhập khẩu các sản phẩm không phù hợp trong tương lai, cần thực hiện các biện pháp cần thiết như xác định nguyên nhân, yêu cầu nhà sản xuất của nước xuất khẩu cải thiện chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các lô hàng tiếp theo sẽ bị kiểm tra với tần suất nhiều hơn cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.

Thực tế này cho thấy, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Hàn Quốc cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của hai nước, với Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc và đối tác Hàn Quốc để cập nhật các quy định liên quan, tránh ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu cũng như hình ảnh sản phẩm Việt Nam đối với người tiêu dùng Hàn Quốc.

Trần Linh