Bài liên quan |
Hà Nội phê duyệt phương án xây dựng cầu Tứ Liên kết nối Tây Hồ - Đông Anh |
Hà Nội đón 7,3 triệu lượt khách du lịch trong quý đầu năm 2025 |
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 154/TB-VP vào ngày 25/3, trong đó nêu rõ kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại Hội nghị triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kinh tế năm 2025. Theo đó, để đạt mục tiêu đưa GRDP của Hà Nội tăng trưởng 8% trở lên, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển đột phá 2026-2030, thành phố giao Chi cục Thống kê Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đánh giá kết quả giai đoạn 2021-2024, đồng thời xây dựng phương án tăng trưởng năm 2025 theo từng quý. Các kịch bản cụ thể sẽ được báo cáo UBND thành phố trước ngày 29/3/2025, đồng thời Phó Chủ tịch UBND thành phố sẽ tổ chức các cuộc họp định kỳ hàng tháng hoặc hàng quý để rà soát và kiểm điểm tiến độ thực hiện.
Trong lĩnh vực thương mại, Sở Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trung tâm thương mại, chợ và các cơ sở hạ tầng thương mại quan trọng khác. Đồng thời, thành phố yêu cầu đẩy mạnh các chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, cả về số lượng, chất lượng lẫn quy mô, nhằm góp phần thúc đẩy sức mua và tăng trưởng kinh tế.
![]() |
Hà Nội đã có lộ trình để tăng trưởng đạt 8% |
Các sở, ban, ngành được yêu cầu bám sát nhiệm vụ, chỉ tiêu và các giải pháp chủ yếu đã đề ra để triển khai thực hiện một cách cụ thể trong năm 2025. UBND thành phố yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả triển khai trước ngày 5/4/2025, đồng thời gửi Sở Tài chính để tổng hợp và phối hợp với Văn phòng UBND thành phố tham mưu kế hoạch tổng thể, theo dõi tiến độ và phục vụ các cuộc họp giao ban định kỳ.
Đối với lĩnh vực công thương, Hà Nội yêu cầu Sở Công Thương cùng Ban Quản lý các khu công nghệ cao và khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học, các cụm công nghiệp và làng nghề theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Ngành du lịch cũng được chỉ đạo khai thác triệt để lợi thế của Hà Nội để phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch đêm. Cùng với đó, thành phố sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ và đẩy mạnh quảng bá điểm đến theo hướng chuyên nghiệp hơn, nhằm thu hút du khách chất lượng cao.
Về hoạt động xúc tiến đầu tư, Phó Chủ tịch thành phố giao Sở Tài chính khẩn trương hoàn thiện danh mục kêu gọi đầu tư, đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá và thu hút đầu tư trong nước cũng như quốc tế. Đặc biệt, thành phố tập trung mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và viện trợ phát triển chính thức (ODA), phù hợp với bối cảnh mới. Hà Nội cũng chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh trao đổi kinh nghiệm về xây dựng, chuyển giao công nghệ và khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của các đối tác nước ngoài.
Trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan được giao nhiệm vụ tích cực mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế theo chiều sâu, hướng đến các đối tác lớn và tiềm năng. Trên cơ sở gắn chặt với lợi ích quốc gia và dân tộc, thành phố đặt mục tiêu tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế, thương mại và hỗ trợ đắc lực cho các chiến lược đột phá về kinh tế trong thời gian tới.