Giữ lạm phát dưới 4% có phản tác dụng?

23:45 04/08/2022

"Dứt khoát dưới 4% thì lại phản tác dụng, dẫn đến thiếu nguồn cung, rồi buôn lậu găm hàng, giữ hàng, đẩy giá lên do thiếu nguồn cung, do đó, cần hết sức nghệ thuật trong điều hành", TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát trong khi khủng hoảng an ninh lương thực, năng lượng đang là vấn đề lớn của nhiều nước.

Về cơ bản, Việt Nam đã có cơ chế chính sách điều hành quyết liệt kịp thời, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định lạm phát nước ta thấp so với khu vực.

Nhưng không thể chủ quan vì vẫn có độ trễ về lạm phát. Độ mở nền kinh tế lớn sẽ có rủi ro nhập khẩu lạm phát, giá cả hàng hoá, một số khoản như lương cơ bản tăng, các khoản phí trong lộ trình tăng lên, không thể kìm giữ mãi được, TS. Lực phân tích.

Hơn nữa, thường về cuối năm, lượng cung tiền, giải ngân đầu tư công, FDI, lượng tiền nhiều hơn, vòng quay tiền nhanh hơn nên không thể chủ quan.

Hiện đủ cơ sở cho kịch bản kiểm soát lạm phát năm nay là 4%, kịch bản xấu nhất vượt 4% một chút cũng chấp nhận được, để chúng ta một mặt kiểm soát lạm phát tốt, đồng thời vẫn phải phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Vì Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi 2 năm, nên năm nay điều hành của Chính phủ gặp không ít thách thức, phải nghệ thuật hài hoà, cân bằng, phân tích, dự báo kịp thời, thành công bước đầu nhưng không chủ quan.

Các chuyên gia kỳ vọng Chính phủ tiếp tục thành công ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời phát triển kinh tế xã hội, tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế, đạt được kế hoạch 5 năm tăng 5-7%.

Lâm Nghi