Gian lận thương mại chuyển từ môi trường truyền thống sang sàn thương mại điện tử

15:33 15/11/2023

Theo Tổng cục Quản lý Thị trường, các đối tượng gian lận thương mại đang chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử, tạo thêm thách thức cho quản lý thị trường.

Trong 10 tháng năm 2023, tình hình buôn lậu và vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới tiếp tục phức tạp, đặc biệt là đối với mặt hàng như lợn, đường cát, thuốc lá điếu và hàng điện tử đã qua sử dụng. Điều đáng chú ý là vấn nạn hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã ngày càng gia tăng, đặc biệt là từ các chủ thể quyền của nhãn hiệu lớn trên thị trường quốc tế.

Trong thời gian gần đây, nhiều chủ thể quyền sở hữu nhãn hiệu tại các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Ý đã họp với Tổng cục và đề xuất các biện pháp hợp tác nhằm ngăn chặn và đối phó với các hành vi vi phạm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ được bày bán trên quy mô lớn như trước mà ngày càng được tập kết tại các kho hàng ẩn, ít người qua lại hoặc tại các nhà riêng. Sau đó, chúng được tiếp cận người tiêu dùng thông qua thương mại điện tử, tăng cường nguy cơ gian lận.

Hãng mỹ phẩm đăng bài cảnh báo hàng giả trên TikTok Shop
Hãng mỹ phẩm đăng bài cảnh báo hàng giả trên TikTok Shop.

Trong 10 tháng, lực lượng Quản lý thị trường đã thực hiện kiểm tra 62.338 vụ việc, xử lý 44.554 vụ vi phạm, đồng thời thu được hơn 410 tỷ đồng cho ngân sách.

Mặc dù đã có sự tích cực trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, song vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại, và hàng lậu vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Các đối tượng chuyển địa bàn hoạt động từ môi trường truyền thống sang môi trường thương mại điện tử, tạo thêm thách thức cho quản lý thị trường.

Tại Hội thảo "Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử" do Tổng cục Quản lý thị trường tổ chức sáng 15/11, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cho biết, chống hàng giả trên thương mại điện tử là vấn đề vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công Thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng Quản lý thị trường.

"Phương thức mua - bán hàng của người dân đã thay đổi, chuyển từ truyền thống sang online. Các đối tượng đã chuyển kho hàng từ đồng bằng, thành phố lên các tỉnh miền núi, khu vực vùng sâu, vùng xa như vụ Gia Lai vừa qua là một ví dụ điển hình" - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh thông tin và trăn trở, thương mại điện tử phát triển bùng nổ, song đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, thời gian gần đây, mạng xã hội tiktok bùng nổ mạnh mẽ. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hàng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

"Lực lượng Quản lý thị trường xác định, chống hàng giả trên thương mại điện tử sẽ là nhiệm vụ chủ chốt của lực lượng trong vòng 3 đến 5 năm tới" - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh và cho biết, để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử phải coi mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử là một trận địa, không gian ảo cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm.

Mặt khác, thương mại điện tử, mạng xã hội là không gian vô cùng rộng lớn, xuyên biên giới, do vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng chống hàng giả trên thương mại điện tử. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

P.V (t/h)