Công văn do Phó Cục trưởng Tạ Mạnh Hùng ký ngày 23/4, trong bối cảnh xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong quá trình quảng cáo, phân phối mỹ phẩm. Mục tiêu là đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả quản lý hậu mại đối với mặt hàng này.
![]() |
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, YouTube… |
Cục Quản lý Dược cho biết, thời gian qua, qua công tác hậu kiểm, một số đơn vị sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm đã bị phát hiện vi phạm như: sản xuất tại cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện, thay đổi công thức sản phẩm hoặc nội dung hồ sơ công bố mà chưa được cơ quan chức năng chấp thuận, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc…
Ngoài ra, nhiều sản phẩm mỹ phẩm được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử có dấu hiệu là hàng xách tay, hàng giả, chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố theo quy định. Một số nội dung quảng cáo cũng bị phản ánh là gây hiểu lầm, gán ghép mỹ phẩm như thuốc hoặc sử dụng hình ảnh, tên tuổi của bác sĩ, nhân viên y tế không đúng quy định.
Trước thực trạng đó, Cục Quản lý Dược chỉ đạo Sở Y tế các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Đặc biệt, cần chú trọng giám sát việc tuân thủ quy định thu hồi sản phẩm, sản xuất tại địa chỉ không đúng với công bố, hoặc thay đổi địa chỉ nhưng không báo cáo cơ quan chức năng.
Cục cũng yêu cầu các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan để kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm mỹ phẩm lưu hành trên thị trường, nhất là trên nền tảng mạng xã hội và thương mại điện tử.
"Trọng tâm là phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép lưu hành hoặc quảng cáo sai sự thật về tính năng, công dụng sản phẩm", công văn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường phải nghiêm túc tuân thủ quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BYT. Tuyệt đối không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại cơ sở chưa đủ điều kiện, chỉ lưu hành sản phẩm khi đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, đồng thời chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng, an toàn và hiệu quả của sản phẩm.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây chuyển đơn tố cáo liên quan đến bà Chu Thanh Huyền, người nổi tiếng trên mạng xã hội bán bộ mỹ phẩm nước hoa hồng có dấu hiệu tiêu thụ hàng nhập lậu tới Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Sở Công thương TP Hà Nội để xem xét và giải quyết theo thẩm quyền. |