Một trong những điểm đáng chú nhất của dự thảo này không chỉ nằm ở tỉ lệ phần trăm tăng thuế hay các lon nước ngọt bán đầy đường từ Bắc chí Nam mà ở lập luận về mối liên quan giữa “thuế và béo phì”.
Thuế TTĐB được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngay từ năm 2019 đối với tất cả các loại nước giải khát có đường, không phân biệt có ga hay không có ga, nước ép trái cây hay nước tăng lực…
Theo phân tích của Bộ Tài chính, ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 25% dân số. Vì thế các chuyên gia tài chính nghĩ thay cho cơ quan y tế rằng, khi giá thành tăng sẽ làm giảm mức tiêu thụ nước ngọt trên thị trường và đây chính là một trong những giải pháp đẩy lùi nguy cơ thừa cân, béo phì trong dân.
Cơ quan soạn thảo đưa ra khi đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt có ga không cồn nhấn mạnh: “nước ngọt có ga không cồn tác hại lớn đến sức khỏe người dùng như bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch”.
Vẫn theo các chuyên gia tài chính bàn về sức khỏe, thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như: các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim; nguy cơ của bệnh đái tháo đường tuýp 2 và một số bệnh ung thư như: ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận…
Tuy nhiên, lý giải này của Bộ Tài chính không nhận được nhiều sự ủng hộ của các cơ quan liên quan và của dư luận.
Một số chuyên gia cho rằng, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, kiểm soát bệnh tiểu đường và béo phì cần loại bỏ sản phẩm đường lỏng HFCS trong sản xuất đồ uống, chứ không phải đánh thuế cao với mặt hàng này.
Ông Herbert Corchran, Giám đốc Liên minh Thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thuế thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích, bởi việc áp dụng thuế chưa chứng minh rằng sẽ bảo vệ sức khoẻ của người dân.
Thực tế, việc nạp năng lượng từ nhiều nguồn khác nhau, một chế độ sinh hoạt ít lành mạnh mới là nguyên nhân chính dẫn tới các bệnh về béo phì, tiểu đường chứ không chỉ do đồ uống ngọt
Không ít các quốc gia khác cũng đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, nhưng tình trạng béo phì ở các quốc gia này vẫn tiếp tục gia tăng, Do đó, việc áp thuế với mặt hàng nước ngọt không phải là giải pháp để chống béo phì, thừa cân bởi còn có rất nhiều nguyên nhân khác dẫn đến các bệnh này.
Mức thuế nêu trên được Bộ Tài chính đề xuất áp dụng ngay từ năm 2019 và áp dụng đối với tất cả các loại nước giải khát có đường, không phân biệt có ga hay không có ga, nước ép trái cây hay nước tăng lực…
Nếu dự thảo này được thông qua, nước ngọt có đường sẽ đồng hành cùng bia, rượu, ôtô, du thuyền và các dịch vụ xa xỉ như golf hay mát xa là những đối tượng truyền thống của thuế TTĐB.
Trường Phước