Giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững

16:06 23/11/2023

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT cho rằng, cần nâng cao nhận thức của người mua cũng như người bán để đảm bảo sự phát triển bền vững cho TMĐT Việt Nam.

Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Thời gian qua, Việt Nam và các nước trên thế giới đã trải qua đại dịch Covid-19, trong khoảng thời gian mọi người đều làm việc tại nhà và hạn chế đi lại đã thúc đẩy thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam và trên toàn thế giới phát triển mạnh mẽ. Tại Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung - cầu diễn ra sáng ngày 23/11, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển TMĐT – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã chia sẻ những thông tin quan trọng về sự phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam và những thách thức đang phải đối mặt.

Trong giai đoạn gần đây, TMĐT tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với sự bứt phá của các nền tảng như Shopee, Tiki, Lazada,...

Cụ thể, tại Việt Nam, quy mô ngành thương mại điện tử bán lẻ đã tăng trưởng 20%, từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên khoảng 16,4 tỷ USD năm 2022, với 57-60 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trong năm vừa qua (theo số liệu Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022).

Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 7,2% - 7,8%, gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 năm. Với tốc độ tăng trưởng này, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với tốc độ phát triển như vậy, một trong những thách thức quan trọng là khả năng quản lý. Ông Thành nêu rõ rằng, sự minh bạch trong quản lý sàn TMĐT cần được cải thiện để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

"Người tiêu dùng ngày càng chú ý đến sản phẩm xanh sạch và thân thiện với môi trường. Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp TMĐT để thích ứng và đáp ứng nhu cầu này," ông Thành nhấn mạnh.

Theo ông Thành, các nền tảng như Lazada, Shopee, và Tiki đã bắt đầu hình thành một hệ sinh thái thương mại bền vững, từ xây dựng nền tảng, vận chuyển đến thanh toán trực tuyến, điều này giúp đơn giản hóa quá trình mua sắm cho người tiêu dùng. 

Thị trường TMĐT Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề hàng giả, hàng nhái đến vi phạm sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, vấn đề không cân đối trong thị trường thương mại điện tử giữa thành thị và nông thôn, khiến thị trường trở nên không đồng đều.

"Hiện các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chủ yếu tập trung ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, hai thành phố này chiếm khoảng 70% dân số bán lẻ trực tuyến trên toàn quốc, còn lại 61 tỉnh thành chỉ chiếm dưới 30%, tỷ lệ này là rất nhỏ. Điều này khiến thị trường giữa các tỉnh thành phố hiện đang không cân xứng", ông Thành chia sẻ.

Ông Thành đề xuất các biện pháp cụ thể như cải thiện chính sách và quy chế, giảm chi phí xử lý đơn hàng, và nâng cao nhận thức của người mua cũng như người bán để đảm bảo sự phát triển bền vững cho TMĐT Việt Nam.

Tại Diễn đàn, ông Thành đề cập đến thách thức về nguồn gốc và ngôn ngữ trong thương mại điện tử. Việc đảm bảo nguồn gốc của sản phẩm và làm cho chúng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng địa phương là chìa khóa quan trọng để vượt qua những rào cản này. Ông đề xuất, doanh nghiệp nên nắm vững nhu cầu cụ thể của thị trường địa phương và tận dụng ngôn ngữ địa phương để tạo sự gần gũi và tin cậy.

Trong bối cảnh tham gia TMĐT quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực tham gia trên các nền tảng như Amazon, Alibaba,... Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt hiện có nhiều rào cản, từ chi phí đăng ký cao đến công đoạn kiểm soát chặt chẽ từ các nền tảng quốc tế. Ông Thành khuyến nghị các doanh nghiệp Việt nên nghiên cứu kỹ thị trường và tìm hiểu nhu cầu đặc biệt của từng địa phương để phát triển sản phẩm phù hợp và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Thành đã chia sẻ về những nỗ lực của Trung tâm Phát triển TMĐT trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sàn TMĐT quốc tế. Qua tư vấn, Trung tâm đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp giải quyết những rắc rối thường gặp như chi phí tham gia cao và quản lý sản phẩm từ các nền tảng quốc tế.

Ông chia sẻ: "Ngày 08/06/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận hợp tác với Amazon Global Selling nhằm mục đích hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp Việt có nhu cầu xuất khẩu xuyên biên giới để tham gia vào nền tảng Amazon.com để bán hàng trên đó. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã đào tạo được khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia".

Bên cạnh đó, ông cho biết, Trung tâm cũng đang tham gia tư vấn, hỗ trợ theo hình thức 1:1 để giúp doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cũng như năng lực một cách tối thiểu để tham gia vào các nền tảng này trong thời gian tới. Về kết quả đạt được, theo báo cáo tổng kết của Amazon, tính từ đầu năm 2023 đến nay, có khoảng 17-18 triệu sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ.

Ông cũng đề cập đến nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tổ chức Ngày mua hàng trực tuyến hằng năm diễn ra vào ngày Thứ 6 đầu tiên của Tháng 12, đây cũng có thể coi là chương trình tạo ra tiếng vang tương đối tốt.

"Các nước trên thế giới họ tổ chức ngày mua hàng này khá tốt, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn còn những hạn chế như nâng giá sản phẩm sau đó lại giảm giá rồi gọi đó là hình thức khuyến mãi. Trước tình hình đó, hiện nay chúng tôi đã có những hệ thống để kiểm soát, giám sát về mức giá trong quá khứ", ông Thành chia sẻ.

Bảo Trinh