Giải pháp nào để giảm áp lực, gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu?

22:47 04/04/2023

Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng và tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở thêm các thị trường mới, triển khai mạnh giải pháp xúc tiến thương mại... để gỡ khó cho xuất khẩu.

Ảnh minh họa
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

Mặc dù đã bước sang quý 2 nhưng kinh tế thế giới vẫn đang ở giai đoạn khó khăn, hồi phục chậm, tổng cầu giảm.

Cùng đó, lạm phát và lãi suất vẫn duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng tiếp tục giảm; trong đó, có khu vực châu Âu-châu Mỹ.

Đi kèm đó là hàng loạt khó khăn đến từ tác động từ thế giới và trong nước đã tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa trở lại làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...

Chính vì vậy, trong quý 2 và thời gian tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng và tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do (FTA); mở thêm các thị trường mới; triển khai mạnh giải pháp xúc tiến thương mại... để gỡ khó cho xuất khẩu.

Xuất khẩu gặp khó

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng giảm tới 14,8% so với cùng kỳ năm 2022 bởi những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Tính chung quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 14,4%). Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp trong nước giảm mạnh hơn (giảm 17,4%) so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (giảm 10%).

Cụ thể, về xuất khẩu các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản quý 1/2023, ước đạt 6,86 tỷ USD, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 8,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản cho biết hiện nay tình trạng đói đơn hàng diễn ra khá phổ biến. Bởi, mọi năm thời điểm này các doanh nghiệp đã ký xong đơn hàng cho quý 4, thế nhưng bây giờ ký được container nào doanh nghiệp mới làm.

“Không chỉ giảm sút trầm trọng về đơn hàng mà giá xuất khẩu thủy sản vào các thị trường đều thấp do doanh nghiệp bán bằng USD. Hơn nữa đồng Việt Nam đang mạnh lên so với đồng USD nên doanh nghiệp xuất khẩu càng bị khó,” đại diện doanh nghiệp chia sẻ.

Bà Tô Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá xuất khẩu thủy sản tháng Ba giảm mạnh ở tất cả các thị trường. Nguyên nhân do 3 yếu tố do lạm phát và khủng hoảng ngân hàng tại Hoa Kỳ đã thắt chặt tín dụng khiến nhà nhập khẩu không đủ kinh phí để nhập khẩu lô hàng lớn; đối tác cơ cấu lại kho hàng khiến giá nhập khẩu giảm mạnh, thiếu đơn hàng. Cùng đó là sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số đối thủ đã chiếm thị phần của thủy sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia, nổi lên trong bức tranh xuất khẩu gần đây là mặt hàng gạo, tăng mạnh cả về lượng và về trị giá xuất khẩu. Ước tính xuất khẩu gạo tháng 3/2023 so với tháng trước tăng 68,3% về lượng và tăng 67,6% về kim ngạch; so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 69,3% về lượng và tăng 82,3% về kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo quý 1/2023 cũng suy giảm mạnh, ước đạt 67,5 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều giảm so với quý 1/2022.

Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản quý 1/2023 có kim ngạch giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022 chủ yếu do sự sụt giảm mạnh về kim ngạch xuất khẩu than đá (giảm 97,8%) và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác (giảm 28,9%). Điểm sáng duy nhất trong xuất khẩu nhóm hàng này là xuất khẩu dầu thô tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay về thị trường xuất khẩu hàng hóa quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong quý 1/2023 đều giảm. Trong số đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 20,57 tỷ USD.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho hay thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam.

Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm…

“Với mục tiêu hỗ trợ tối đa doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã triển khai hàng loạt hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan của Hoa Kỳ; theo dõi chặt chẽ diễn biến các vụ việc để kịp thời cập nhật thông tin, gửi thông báo, báo cáo những vấn đề phát sinh trong chính sách điều hành của Hoa Kỳ,” ông Đỗ Ngọc Hưng nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước nhưng giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung quý 1/2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Với diễn biến như vậy, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 3/2023 tiếp tục thặng dư khoảng 650 triệu USD, nâng tổng xuất siêu trong quý 1/2023 là 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái xuất siêu 1,87 tỷ USD). Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 6,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,8 tỷ USD.

Tận dụng cơ hội

Đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) dự báo, tới đây sức mua vẫn phục hồi chậm và sản xuất sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Hơn nữa, việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao.

Đáng lưu ý, chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam. Mặt khác, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada, một số lĩnh vực mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng lớn trong thời gian tới. Cụ thể, mặt hàng thủy sản sẽ bị cạnh tranh mạnh từ các đối thủ cạnh tranh sắp có/có hiệp định thương mại tự do song phương với Canada: Ecuador, Indonesia, Ấn Độ.

Ngoài ra, mặt hàng dệt may sẽ bị cạnh tranh bởi các đối thủ cạnh tranh vừa được ký gia hạn hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập như Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, El Salvador, Haiti, Ai Cập...; mặt hàng tấm pin năng lượng mặt trời có nhiều nguy cơ nếu Hoa Kỳ quyết định áp thuế chống bán phá giá sản phẩm này của Trung Quốc và các nước sử dụng đầu vào từ Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn May mặc Dony gia công hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN).

Đối với thị trường EU, bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, cho biết EU tập trung thực hiện quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như gạo, các loại hạt nên doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.

Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Anh, khuyến cáo chiến lược marketing của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Anh chưa phù hợp cả về hình ảnh, ngôn ngữ. Hơn nữa, doanh nghiệp không có website phù hợp, tên doanh nghiệp quá dài, sử dụng email miễn phí… nên ít nhận được quan tâm của nhà nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để phân tích thị trường nhanh, hiệu quả.

Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho rằng từ khi mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại có thuận lợi nhưng cũng là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, các bộ, ngành liên quan và địa phương có đường biên giới với Trung Quốc tăng cường kiểm soát dịch bệnh thâm nhập vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu, tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như quy định mới của thị trường. Cùng đó, đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.

Mặt khác, Bộ Công Thương tiếp tục mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu; hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… Đặc biệt, đẩy mạnh khai thác hiệu quả các FTA; tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.

Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030. Theo đó, Quyết định đặt ra mục tiêu duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6-8%/năm.

Ngoài ra, Bộ còn tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics nhằm giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam./.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)