Giải ngân đầu tư công vẫn tiếp tục chậm tiến độ
Theo đó, tại phiên họp thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 8/2024 và nhiệm vụ trong tâm của tháng 9/2024 diễn ra sáng nay, ngày 4/9/2024 do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, 4 Ban quản lý bị Chủ tịch UBND TP điểm mặt, bao gồm: Ban Quản lý đường sắt đô thị, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị. “Trong tuần cuối của tháng 8 chúng ta đã rà soát lại cam kết của từng chủ đầu tư, nhất là 4 Ban quản lý dự án của Thành phố. Tổng giải ngân của 4 Ban này từ đầu năm đến giờ chỉ đạt 10,4%, thấp hơn mức bình quân chung của Thành phố. Trong khi đây là các Ban chiếm phần lớn vốn đầu tư công của Thành phố” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nói.
Cụ thể, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cam kết giải ngân 590 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8 chỉ giải ngân được 86 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cam kết giải ngân 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 31,4 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cam kết 153 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng. Còn Ban Quản lý đường sắt đô thị cam kết giải ngân 119 tỷ đồng nhưng cũng chỉ giải ngân được 32 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị các đơn vị này phối hợp cùng TP. Thủ Đức kiểm điểm lại từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hàng tháng, sao cho đến cuối năm tỉ lệ giải ngân phải đạt 90% trở lên.
Được biết, công tác giải ngân vốn đầu tư công của TP. Hồ Chí Minh vẫn đang dẫn đầu danh mục các hạn chế, khi tỷ lệ giải ngân hiện chỉ đạt 18,1%.
Tại phiên họp, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, năm 2024, Ban được giao 12.380 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 2.450 tỷ đồng, đạt 20%. “Như vậy từ nay đến cuối năm thì phải giải nhân hơn 9.000 tỷ đồng” - đại diện Ban giao thông nói, đồng thời cho biết, có khoảng 2.000 tỷ đồng là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng ở các địa phương, theo tiến độ sẽ rơi vào cuối quý III và quý IV.
Khoảng 700 tỷ đồng là tiền khởi công dự án mới, rơi vào cuối quý IV. Khoảng 300 tỷ đồng là vốn ODA, nhưng đang gặp vướng mắc với các nhà thầu, hiện Ban đang thương thảo và dự kiến sẽ rơi vào quý IV. Ngoài ra, còn khoảng 6.500 tỷ đồng là xây lắp, trong đó dự án Vành đai 3 chiếm khoảng 3.000 tỷ đồng. “Trong tuần này sẽ có những khối cát đầu tiên từ miền Tây đưa về, sau đó sẽ đẩy mạnh công tác gia tải và đẩy mạnh 5 gói thầu phía Đông. Đối với các dự án đang triển khai thì tiếp tục 3 ca 4 kíp, Ban đang giữ vững đúng mốc sẽ hoàn thành 15 gói thầu dự án từ nay đến cuối năm” - đại diện Ban giao thông cho biết.
Trong khi đó, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp cho biết, đến hết tháng 8, Ban chỉ mới giải ngân được 8,2%. Hiện nay, Ban đã được các sở ngành duyệt 12 dự án, và phấn đấu sẽ khởi công vào cuối năm nay để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến hết ngày 23/8/2024, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân hơn 13.900 tỷ đồng, đạt 17,6% so với kế hoạch vốn năm 2024, giảm 30,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 28,4%). Để năm 2024 đạt mục tiêu giải ngân 93,8% thì bình quân mỗi tháng thành phố phải giải ngân hơn 19% (tương đương 8 tháng đầu năm cộng lại, mỗi tháng giải ngân 15.100 tỷ đồng).
Dư nợ tín dụng cuối tháng 8/2024 tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Từ tháng 6 đến nay, tình hình tín dụng có mức tăng trưởng chậm (tháng 6 tăng 4%, tháng 7 tăng 3,9% và tháng 8 tăng 4,5% so với cuối năm 2023), trong khi tổng vốn huy động tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Cũng trong giai đoạn 8 tháng, TP. Hồ Chí Minh có hơn 45.700 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, tăng 8,8% so với cùng kỳ nhưng cũng có hơn 26.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 7,4% so với cùng kỳ (cứ 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường thì có 58 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Một số công trình trọng điểm sẽ cán đích về mốc
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8, nhà thầu Hitachi đã bàn giao thiết bị, đoàn tàu gồm 11 hệ thống. Theo đó, dự án tuyến đường sắt Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã hoàn thành hơn 98% khối lượng. Dự kiến tháng 11/2024, toàn tuyến Metro 1 vận hành thử, phục vụ công tác nghiệm thu cùng đánh giá an toàn hệ thống và vận hành chính thức vào cuối năm 2024. Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cơ bản đã hoàn tất thủ tục ban hành quyết định bồi thường 584/586 trường hợp, đạt 99,6%. Các nhà thầu đang thi công những hạng mục đầu tiên về di dời - tái lập hệ thống cấp thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông.
Dự án Thành phần 1 đường Vành đai 3 thành phố đang tăng tốc các hạng mục cầu, hầm trên tuyến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền đường, khối lượng thi công đạt gần 18%. Dự kiến, tình trạng thiếu cát của dự án sẽ được giải quyết sớm nhất trong tháng 9/2024 khi được các địa phương hỗ trợ các mỏ cát.
Dự án Thành phần 2 đường Vành đai 3 thành phố đang được đẩy nhanh tiến độ bồi thường. Hiện mặt bằng bàn giao đạt 99,0%. Riêng, dự án mở rộng Quốc lộ 50 tại khu vực đường Song hành đang gặp vướng mắc trong công tác bồi thường cho 27 hộ dân và 2 doanh nghiệp khiến công trường bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có 9/10 gói thầu được đẩy nhanh tiến độ nhưng gặp khó khăn mặt bằng chưa đáp ứng.
TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, việc Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 sẽ tác động tích cực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực đất đai và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng của các dự án trong thời gian tới. Đồng thời góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong những tháng cuối năm 2024.
Uyển Nhi