Giá trị và ảnh hưởng của nhãn hiệu SJC đến giá vàng trong nước

10:35 27/11/2021

"SJC" đề cập ở đây không phải là Công ty SJC, cũng không phải là miếng vàng SJC mà là nhãn hiệu SJC do Nhà nước quản lý, được coi là nguyên nhân chính khiến giá vàng trong nước cao bất thường. Bài viết này là từ thực tế của nhiều năm trước được hệ thống lại có thể lý giải sự bất thường của thị trường vàng còn kéo dài đến nay.

Giá vàng SJC trên 60 triệu đồng/lượng nhưng chẳng ai để ý ở một số tiệm vàng có niêm yết giá "vàng nguyên liệu" thấp hơn 7-8 triệu đồng/lượng. Báo chí cũng ít khi đề cập đến giá vàng nguyên liệu. Vậy vàng nguyên liệu là gì? Đấy là vàng 999,9 dạng thỏi hay hạt không vênh nhiều so với giá vàng thế giới để chế biến vàng nữ trang và dập vàng miếng, trong đó có vàng SJC.

Bao năm qua, vàng nguyên liệu là "hồn cốt" của vàng miếng nhưng lại không được người dân cất giữ, thanh toán và mua bán nếu chưa dập ra hình hài miếng vàng có thương hiệu, chủ yếu là SJC. Vàng nguyên liệu chỉ mua bán giữa các tiệm vàng với nhau. Trước đây, thấy thương hiệu SJC có giá, nhiều ngân hàng, công ty vàng sắm máy, mua khuôn dập vàng miếng nhưng cuối cùng chỉ kinh doanh được vàng miếng SJC.

Từ đó, đã hình thành khái niệm vàng "phi SJC" để phân biệt vàng miếng SJC với thương hiệu vàng của Ngân hàng ACB, Sacombank, Agribank... hay doanh nghiệp vàng như PNJ. Một mình vàng miếng SJC đã "chấp" tất cả vàng miếng khác, cả vàng thỏi Thụy Sĩ.

Theo ghi nhận, đa số người dân, nếu được ai đó trả tiền mua nhà, mua xe bằng vàng miếng "phi SJC" cũng thường thoái thác. Vì vậy, giá vàng miếng "phi SJC" thường thấp hơn vàng SJC nhưng người dân cũng không chuộng. Tóm lại, vàng SJC được chọn để cất giữ, thanh toán, mua bán. Đây chính là "cơ chế" hình thành giá của chữ "SJC", là nguồn cơn của căn bệnh "giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới" kéo dài cho đến nay.

Chữ SJC giá bao nhiêu? - Ảnh 2.

Bảng giá vàng tại một cửa hàng trưa 21-11 - Ảnh: HOÀNG AN

Bất ngờ với chi phí dập miếng vàng SJC

Giá vàng SJC thường cao hơn thế giới, tùy thời điểm, cao điểm như gần đây là trên 10 triệu đồng/lượng. Vậy chi phí dập miếng vàng SJC là bao nhiêu?

Do không còn sản xuất vàng miếng nên không thấy Công ty SJC công bố chi phí dập vàng miếng. Lần công bố gần nhất là năm 2012 khi doanh nghiệp này được Ngân hàng Nhà nước giao dập lại các miếng vàng móp méo đã bán ra thị trường, chi phí gồm công, thuế, lợi nhuận, tất cả là... 50.000 đồng/lượng! Trước đó, khi Công ty SJC còn nắm thương hiệu vàng miếng SJC, chi phí này chỉ khoảng 35.000 đồng/lượng.

Chi phí rẻ thế, sao không dập hàng loạt? Có, khi đó Công ty SJC đã cho chạy máy dập 24/24 giờ, nhưng chỉ được vài ngàn lượng/ngày. Các công ty, ngân hàng dù có bao nhiêu ký vàng Thụy Sĩ cũng phải xếp hàng chờ Công ty SJC dập ra vàng miếng để bán. Như vậy, vàng không thiếu, chỉ thiếu vàng miếng SJC nên giá loại vàng này cứ bị đẩy lên. Cứ thế chữ "SJC" đã tạo ra mặt bằng giá vàng luôn cao hơn giá thế giới, từ đó kéo giá nhiều loại vàng khác cũng tăng theo.

Hiện nay, dù thị trường vàng không còn nóng sốt như nhiều năm trước nhưng cơ chế quản lý vàng vẫn không thay đổi, vì vậy khó nói trước giá vàng miếng SJC còn tăng tới đâu. Lý do là Ngân hàng Nhà nước - nơi độc quyền nhập khẩu vàng để dập vàng miếng - không còn bán, cũng không thấy thuê Công ty SJC dập vàng. 

Vàng miếng mua bán hiện nay là từ người giữ vàng bán ra. Nguồn này lại có hạn, những lúc bán ít, mua nhiều, tiệm vàng đẩy giá lên cao, rủi ro cho người mua, có lợi cho người giữ vàng. Khi giá vàng SJC tăng cao, người có vàng đổ ra bán, đẩy giá giảm sâu, như đã diễn ra ngày 19-11. 

Các công ty vàng luôn nắm dao đằng cán, không ôm vàng chờ khách đến mua, họ chỉ sang tay ngay hưởng chênh lệch. Vì vậy, nếu có người mua vài chục lượng vàng SJC cũng đủ để đẩy giá lên cao và ngược lại.
Chữ SJC giá bao nhiêu? - Ảnh 3.

Đồ họa: T.ĐẠT

Không còn trong "chương trình nghị sự"

Ông chủ thương hiệu vàng miếng SJC hiện nay chính là Ngân hàng Nhà nước. Công ty SJC từng sở hữu thương hiệu SJC và ngay Ngân hàng Nhà nước cũng chẳng hưởng lợi khi giá vàng miếng SJC tăng. Năm 2012, khi nhận lại thương hiệu SJC từ UBND TP.HCM - là chủ sở hữu Công ty SJC, Ngân hàng Nhà nước cam kết can thiệp thị trường vàng để chênh lệch giá vàng miếng SJC không tăng bất thường. Và nơi này đã ban hành quy chế bán vàng ra thị trường qua hình thức đấu thầu.

Nhưng muốn có vàng bán phải cần nhiều triệu USD để nhập, thứ hàng chục năm trước còn rất khan hiếm. Nếu vét ngoại tệ đi nhập vàng sẽ không đủ ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nguyên vật liệu sản xuất. Thiếu ngoại tệ, tỉ giá sẽ tăng, đẩy giá hàng hóa và lạm phát tăng. Vì thế khi ấy Ngân hàng Nhà nước chỉ đấu thầu nhỏ giọt vàng, từ năm 2014 không còn nhắc tới.

Giờ đây, biến động giá vàng không còn nằm trong "chương trình nghị sự" của Ngân hàng Nhà nước. Trọng tâm điều hành của Ngân hàng Nhà nước là USD, liên quan đến trăm triệu người tiêu dùng qua lạm phát, là sức khỏe và cũng là sức mạnh của nền kinh tế, là tiền đề để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tỉ giá ngoại tệ ổn định, hợp lý, tất cả mọi người được hưởng lợi, đất nước phát triển. Còn giá vàng bao nhiêu, do các doanh nghiệp vàng quyết định. Vàng trong nước có cao hơn thế giới cả chục triệu đồng/lượng, giá thực phẩm, giá điện máy, giá nhà đất, giá xe máy hay ôtô... vẫn thế.

PV/ theo Tuoitre.vn