Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tăng cao so với gạo của các nước như Thái Lan và Pakistan. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn 14 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn 34 USD/tấn so với gạo Pakistan. Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng đã tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn 27 USD/tấn so với Thái Lan và 22 USD/tấn so với Pakistan.
Việc giá gạo Việt Nam vượt trội so với các nước khác là một sự trở lại ấn tượng, nhất là khi chỉ một tháng trước, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn gạo của Thái Lan, Pakistan, và Myanmar. Đặc biệt, sau khi trúng thầu xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo sang Indonesia vào tháng 6, giá gạo Việt Nam đã giảm mạnh và xuống mức thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, thị trường đã thay đổi nhanh chóng và giá gạo Việt Nam hiện đang dẫn đầu.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 7 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD, tăng 46,3% về lượng và 39,7% về giá trị so với tháng trước. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, đạt giá trị khoảng 3,34 tỷ USD, tăng 27,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, mặc dù lượng xuất khẩu chỉ tăng 8,3%. Đáng chú ý, giá xuất khẩu gạo bình quân của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đã đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo dự kiến sẽ tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Indonesia đã thông báo khả năng sẽ nhập khẩu đến 4,5 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như đã thông báo trước đó. Philippines, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là khách hàng truyền thống của Việt Nam, cũng dự kiến tăng lượng gạo nhập khẩu lên 4,5 - 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam càng lớn hơn khi chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo của Philippines từ 35% xuống còn 15% sẽ có hiệu lực trong tháng 8 này. Điều này đã thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng từ Philippines và Trung Quốc, dẫn đến các cuộc đàm phán lớn để ký kết các hợp đồng mua gạo từ Việt Nam.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các loại gạo xuất khẩu và mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… vẫn đang ở mức cao và tiếp tục tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng thị trường sang Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến, năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo với kim ngạch dự kiến sẽ vượt qua con số 5 tỷ USD. Bộ Công Thương cũng đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Chính phủ nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch và hiệu quả trong bối cảnh mới.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, theo nhận định chung giá gạo thế giới không tăng nhưng giá trong nước tăng, chủ yếu do các doanh nghiệp đã bán ra lượng hợp đồng rất lớn, khi tàu vào nhận hàng bị thiếu hụt nguồn hàng nên họ phải đẩy mạnh mua vào, nhất là các hợp đồng liên quan đến Bulog có giá bán khá thấp. Các hợp đồng này không thể hủy được nên doanh nghiệp bắt buộc mua hàng để giao. Hầu hết các doanh nghiệp ngành gạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù biết bán trước, mua sau khi thị trường biến động sẽ có những rủi ro nhất định, nhưng hiếm có doanh nghiệp nào có lượng tiền đủ lớn để mua hàng trước, bán hàng sau.
P.V (t/h)